Trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan đang có nhiều cơ hội hợp tác để đưa sản phẩm bền vững ra thị trường quốc tế.
Diễn Đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nithiphan Darakananda, Giám đốc điều hành Sonite Surface, Thái Lan về tiềm năng thị trường Việt Nam và những chiến lược hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong khu vực.
Tôi nghĩ rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với các sản phẩm bền vững là sự khác biệt về nhận thức và mức độ sẵn sàng của thị trường. Liệu khách hàng có hiểu về sản phẩm không? Họ có sẵn sàng chấp nhận nó hay không? Khi các doanh nghiệp phát triển một loại vật liệu hoàn toàn mới, người tiêu dùng có thể không hiểu rõ về nó.
Mặc dù xu hướng tiêu dùng xanh đang gia tăng, nhưng không phải quốc gia nào trong ASEAN cũng có mức độ quan tâm và chấp nhận sản phẩm bền vững như nhau. Một số thị trường vẫn ưu tiên giá thành hơn là yếu tố bền vững, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh nếu chi phí sản xuất cao hơn do sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, một thách thức lớn khác là các tiêu chuẩn và quy định khác nhau giữa các quốc gia. Mỗi nước ASEAN đều có những mục tiêu tham vọng riêng về phát triển bền vững, do đó, có quy định riêng về nhập khẩu, chứng nhận môi trường, nhãn sinh thái và tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi xuất khẩu các mặt hàng bền vững, doanh nghiệp phải tìm hiểu và đáp ứng từng yêu cầu riêng biệt, gây mất thời gian và chi phí tuân thủ.
Một thách thức khác là chuỗi cung ứng và hậu cần. Sản phẩm bền vững thường yêu cầu nguyên liệu đặc thù, hoặc quy trình sản xuất khác biệt, nên việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển, kho bãi và phân phối trong khu vực ASEAN, nơi có sự chênh lệch về hạ tầng logistics, là một bài toán khó.
Hơn nữa, quá trình phát triển sản phẩm bền vững thường không có giới hạn rõ ràng. Chúng tôi bắt đầu với những sản phẩm nhỏ như đế lót ly, sau đó thử làm khay, hộp đựng, và dần dần mở rộng sang đồ nội thất, vật trang trí lớn, thậm chí cả trang sức. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để khám phá những tiềm năng sáng tạo mới.
Người tiêu dùng ASEAN ngày càng quan tâm đến sản phẩm bền vững, nhưng họ cũng cần minh chứng rõ ràng về lợi ích môi trường của sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp không chỉ cần có sản phẩm chất lượng mà còn phải đầu tư vào chiến lược truyền thông để nâng cao nhận diện thương hiệu và tạo niềm tin với khách hàng.
Nhìn chung, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bền vững đang ngày càng mở rộng, không chỉ giúp hai bên tận dụng lợi thế của nhau mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh trong khu vực ASEAN.
Hiện nay, doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam đang phát triển nhiều mô hình hợp tác trong lĩnh vực sản xuất bền vững, tập trung vào các ngành như bao bì sinh thái, vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo và nông nghiệp hữu cơ.
Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã hợp tác với đối tác Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất xanh, như công nghệ tái chế nhựa, sản xuất bao bì phân hủy sinh học và vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.
Việt Nam là một thị trường đang phát triển nhanh với nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm bền vững. Chúng tôi đang hợp tác với các nhà phân phối và bán lẻ tại Việt Nam để đưa sản phẩm thân thiện với môi trường đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, việc hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử cũng là cách thức để các doanh nghiệp Thái Lan tiếp cận khách hàng Việt Nam dễ dàng hơn.
Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, các doanh nghiệp có thể xem xét hợp tác với các nhà cung cấp nguyên liệu tại Việt Nam, đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các trang trại và nhà sản xuất địa phương để hỗ trợ chuỗi cung ứng xanh và giảm lượng khí thải trong vận chuyển.
Tôi nghĩ Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các sản phẩm tái chế và bền vững ra thị trường, Chẳng hạn như tại Thái Lan, các chương trình của DITP đã cung cấp sân chơi để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, đồng thời có những chương trình tài trợ chi phí tham gia các hội chợ thương mại quốc tế và sự kiện kết nối kinh doanh.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là chi phí đầu tư vào sản xuất bền vững và mở rộng xuất khẩu. Chính phủ có thể triển khai các chương trình vay vốn ưu đãi, quỹ hỗ trợ xanh hoặc chính sách giảm thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Điều này giúp họ có đủ nguồn lực để cải tiến công nghệ và mở rộng thị trường.
Xuất khẩu sản phẩm bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải đạt được các chứng nhận quốc tế như FSC (chứng nhận rừng bền vững), Fair Trade, hoặc chứng nhận khí thải carbon thấp. Tuy nhiên, quá trình xin cấp các chứng nhận này thường rất tốn kém và phức tạp. Các Chính phủ trong khu vực có thể hỗ trợ chi phí chứng nhận, đơn giản hóa thủ tục pháp lý và cung cấp các chương trình tư vấn để giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân sách dành cho các chiến lược truyền thông rất hạn chế, nên không thể chi hàng nghìn hay hàng chục nghìn USD cho quảng cáo. Các doanh nghiệp luôn phải có phương án phân bổ ngân sách hợp lý. Tuy nhiên, nhờ có các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, chúng tôi có thể quảng bá sản phẩm đến thị trường quốc tế mà không phải gánh quá nhiều chi phí. Điều quan trọng là các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng những cơ hội này để chủ động tham gia, tiếp cận thị trường và các khách hàng toàn cầu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Người tiêu dùng ASEAN ngày càng quan tâm đến sản phẩm bền vững. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm cách đáp ứng.