Kinh tế

Khai thác tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển

Hải Ngân 22/07/2025 03:30

Cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư tập trung xử lý “điểm nghẽn”, giúp TP Hải Phòng có cơ hội khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảng biển, logistics…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực Cảng Nam Đình Vũ
Cảng biển hiện đại thuộc Khu công nghiệp Nam Đình Vũ

Ngày 27/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Nghị quyết đưa ra 6 nhóm chính sách, với 41 chính sách cụ thể trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai, chính sách trong Khu thương mại tự do tại TP Hải Phòng…

Trong đó, cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư được đánh giá là đòn bẩy giúp TP Hải Phòng có cơ hội khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về cảng biển, logistics…, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Qua đó, tạo tiền đề để TP Hải Phòng nhanh chóng trở thành trung tâm cảng biển hiện đại, cửa ngõ quốc tế của Việt Nam.

Trao quyền chủ động cho TP Hải Phòng

Theo đó Nghị quyết số 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, về quản lý đầu tư, UBND TP Hải Phòng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng; chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án quy định tại khoản này được thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư áp dụng đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Cũng theo Nghị quyết này, UBND TP Hải Phòng tổ chức quản lý, bảo trì các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn thành phố; tổ chức quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn thành phố.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là bước đi quan trọng để TP Hải Phòng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự phân cấp này cũng có thể đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời trao quyền chủ động cho TP Hải Phòng, tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.

Hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng
Hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Sở Tài chính, theo quy định hiện hành, đối với các dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, hồ sơ phải trải qua nhiều bước thủ tục phức tạp, bao gồm: UBND thành phố tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp và gửi báo cáo đề xuất lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính); Bộ xem xét, thẩm định, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan; Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Quá trình này mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm, tùy vào mức độ phức tạp của dự án và thời gian xử lý tại các bộ ngành. Việc Trung ương phân cấp cho UBND TP Hải Phòng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án có quy mô thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ có thể giúp rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt từ 6 - 12 tháng xuống còn 3 - 4 tháng, giảm khoảng 50 - 70% thời gian so với quy trình thông thường khi phải trình cấp Trung ương. Khi phân cấp về UBND TP Hải Phòng, số bước thủ tục có thể giảm từ 3 bước xuống còn 1 - 2 bước.

Còn bà Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Công ty CP logistics An Pha cho biết, phía doanh nghiệp rất mong đợi các dự án cảng biển được triển khai và đẩy nhanh tiến độ. Qua đó, giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Phía doanh nghiệp cũng tin tưởng rằng, với những cơ chế, chính sách đặc thù này, TP Hải Phòng sẽ có điều kiện bứt phá để trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, năng động. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Tạo cơ hội khai thác tối đa các tiềm năng

Thực tế, Hải Phòng được biết đến là thành phố Cảng giữ vai trò tiên phong trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước và là một trụ cột trong tam giác phát triển Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển vùng ven biển phía Bắc. Trong nhiều năm qua, địa phương không chỉ phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chủ lực như: công nghiệp chế tạo, đóng tàu, logistics, công nghệ, dịch vụ,... mà còn vươn lên trở thành một đầu mối thương mại quốc tế, kết nối hiệu quả với các nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới.

TP Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển vùng ven biển phía Bắc
TP Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển vùng ven biển phía Bắc

Theo Quyết định số 140/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, quy mô các khu bến cảng thuộc cảng biển Hải Phòng được quy hoạch đến năm 2030 có từ 61-73 bến cảng, tương ứng với 98 đến 111 cầu cảng, có tổng chiều dài từ 20 - 23,4km… Đồng thời, đến năm 2030, Cảng biển Hải Phòng được xác định có hàng hóa thông qua từ 175,4 triệu tấn - 215,5 triệu tấn, trong đó hàng container từ 12,15 triệu đến 14,92 triệu TEU (chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 20,4 nghìn lượt khách đến 22,8 nghìn lượt khách… Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5%/năm đến 5,3%/năm. Hoàn thiện khu bến Lạch Huyện với quy mô 20 bến cảng container. Khu bến Nam Đồ Sơn phát triển quy mô phù hợp với nhu cầu tăng trưởng hàng hóa.

Còn theo quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt vào tháng 6/2025, cảng biển Hải Phòng bao gồm các khu bến: Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm - Phà Rừng, Nam Đồ Sơn, Văn Úc, khu bến cảng tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, cùng hệ thống bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 78.028 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 11.950 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 66.078 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Như vậy, việc cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù khác sẽ giúp TP Hải Phòng có cơ hội khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế như: cảng biển, logistics, công nghiệp. Qua đó, tạo ra mô hình phát triển đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Trần Thị Tố Loan – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ chia sẻ: “Là doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi rất cố gắng để phát triển, kinh doanh. Khu công nghiệp cũng nhận được sự quan tâm và thường xuyên cập nhật các chính sách mới từ Trung ương cũng như địa phương. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt, mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Theo Nghị quyết 226/2025/QH15, TP Hải Phòng cùng với Khu thương mại tự do thế hệ mới đang nghiên cứu sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp Việt Nam được tham gia và được hưởng lợi từ các chính sách đặc thù, đồng thời là cú hích chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư chất lượng cao. Với chúng tôi, đây là những sự hỗ trợ rất lớn để các doanh nghiệp phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khai thác tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO