Hàng chục trung tâm đăng kiểm bị khám xét, hàng trăm đối tượng bị khởi tố vì liên quan đến các tội danh “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ", “môi giới hối lộ”, “giả mạo trong công tác”.
>>Lộ bất cập từ các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa
Cùng với đó, nhiều vụ án liên quan đến “sản xuất, mua bán, trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm, sử dụng vào mục đích trái pháp luật” đều xảy ra ở hàng loạt các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn cả nước đã được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.
Chưa bao giờ, các dấu hiệu sai phạm liên quan đến yếu tố hình sự xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm lại xảy ra một cách nghiêm trọng và tràn lan theo kiểu “điều tra ra sai phạm” với quy mô lớn, phức tạp như hiện nay. Bởi với các dấu hiệu tội phạm cùng với “kịch bản” như nhau trong các thông cáo báo chí do cơ quan điều tra phát đi, không ít lãnh đạo đơn vị đăng kiểm đều “dính chàm” và kéo theo đó nhiều bài học chưa thể chấm dứt được.
Vì sao suốt thời gian dài, các trung tâm đăng kiểm đã bị khám xét và lãnh đạo cùng với thuộc cấp đã bị khởi tố gần đây lại có thể bất chấp các quy định pháp luật để sẵn sàng “nhận hối lộ”, “đưa hối lộ”…?
Hành vi của những sai phạm liên quan tại các trung tâm đăng kiểm đều không khác gì nhau. Đó là móc nối với "cò" nhận tiền hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm cho những phương tiện không đủ tiêu chuẩn.
Cụ thể, sau khi nhận các phương tiện đến đăng kiểm, các đối tượng "cò" sẽ thỏa thuận, thống nhất với trưởng dây chuyền để bỏ qua các lỗi như: không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, cơi nới thành, thùng xe, lốp xe mòn, phanh xe không đảm bảo, đèn xe không đúng quy định…để “phù phép” bỏ qua và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn tham gia giao thông.
>>Đã khởi tố 248 bị can trong vụ án đăng kiểm
>>Một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhận hối lộ định kỳ
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày 02/02/2023 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Trung tướng Tô Ân Xô, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, đến nay, Công an các địa phương đã tiến hành khám xét 32 trung tâm, khời tố 248 bị can về các tội danh: “Nhận hối lộ”, “đưa hối lộ”, “ôi giới hối lộ”, “giả mạo trong công tác” và “sản xuất, mua bán, trao đổi công cụ, thiết bị phần mềm, sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.
Mới đây, vào các ngày từ 04/2 đến 06/2, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khám xét 2 cơ sở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An (gồm trung tâm 3701S tại TP. Vinh và 3702S tại TX. Thái Hòa) để điều tra liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật tại trung tâm này. Tiếp đó, cơ quan Công an cũng đã tiến hành thi hành lệnh tạm giữ hình sự 13 đối tượng trong đó có cả giám đốc và các phó giám đốc để điều tra về hành vi “nhận hối lộ và môi giới hối lộ” với mức tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/xe xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An gồm 2 cơ sở 3701S (địa chỉ 72 Phan Bội Châu, TP. Vinh) và 3702S đóng tại xã Đông Hiếu, TX. Thái Hòa, Nghệ An.
Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Công an, đây là một vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến cả giám đốc điều hành nhiều trung tâm đăng kiểm trên địa bàn cả nước. Hành vi này xảy ra trong suốt thời gian qua đã gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, hàng loạt vụ tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở các tỉnh phía Nam cũng đã bị phanh phui, lộ rõ những xe cơi nới thành thùng được hợp thức khiến dư luận bức xúc. Tiếp đó, mở rộng điều tra, cơ quan Công an phát hiện 08 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM và 5 trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng đều dính sai phạm Và, với cơ chế “xin-cho” bằng những hành vi “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” như vậy sẽ tạo ra sự bất công trong công tác đăng kiểm, cấp phép lưu hành xe cơ giới cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
“Qua điều tra cho thấy, một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất…” – Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Trước vấn đề này, tại hội nghị tổng kết công tác của Cục Đăng kiểm Việt Nam chiều 16/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng nhận định, vi phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Bộ trưởng cho rằng, việc linh hoạt bỏ qua một vài lỗi đã là vi phạm, vì bất cứ lỗi nào cũng có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ gây tai nạn thương tâm.
Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận hiện nay đặc biệt quan tâm đó là để “làm sạch” những “khối u” đang tồn tại ở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, Bộ GTVT cần phải sớm đưa ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời, tránh lây lan những hành vi sai phạm nói trên ở mức độ “diện rộng” như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm