Khánh Hòa đã và đang chủ động tranh thủ các nguồn lực, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ, xem đây là nhân tố tiên quyết thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Với chính sách ưu đãi hợp lý, linh hoạt và sáng tạo, trong những năm gần đây, Khánh Hòa đang trở thành một điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước khi rất nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư tại đây.
Trong thời gian qua, Khánh Hòa đã chủ động tranh thủ các nguồn lực, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ, xem đây là nhân tố tiên quyết thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tỉnh đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040, Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong…
Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 khả năng còn diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Vì vậy, để thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh một cách hiệu quả trong năm 2022 thì giải pháp chính vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh; Tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư; Vận dụng linh hoạt, hiệu quả cách thức xúc tiến đầu tư từ trực tiếp sang trực tuyến, vừa trực tiếp kết hợp trực tuyến trong các buổi hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, các buổi tọa đàm gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài, các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài…
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại Khánh Hòa, ngoài các chính sách ưu đãi của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa có một số chính sách ưu đãi hỗ trợ cho nhà đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, Nghị quyết 04/2020/NQ-HĐND ngày 15/5/2020 của HĐND tỉnh Khánh Hòa quy định: doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ được hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư, …. Ngân sách tỉnh cấp trực tiếp cho doanh nghiệp chênh lệch lãi suất vay mà doanh nghiệp được hỗ trợ và được thực hiện theo hồ sơ thanh toán thực tế giữa doanh nghiệp với ngân hàng thương mại trên cơ sở hợp đồng đã ký.
Riêng về Nghị quyết 16/2020/NQ-HNĐN ngày 07/12/2020 của HĐND tỉnh Khánh Hòa: các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thuê địa điểm sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% đơn giá thuê mặt bằng, diện tích hỗ trợ tối đa là 10.000m2 và số tiền hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/doanh nghiệp/năm.
Ngoài ra, Nghị quyết 11/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 của HĐND tỉnh về chính sách cấp bù lãi suất đối với các dự án đầu tư vay vốn tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021-2025, cụ thể: mức cấp bù lãi suất là mức cấp theo tỷ lệ % so với lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ đầu tư phát triển Khánh Hòa được UBND tỉnh quyết định từng thời kỳ, nhưng không quá 100% lãi suất tối thiểu.
Có thể bạn quan tâm