Xã hội

Khi sữa giả trở thành hồi chuông cảnh báo cho cả hệ thống giám sát

Nguyễn Thu Hà 21/04/2025 03:30

Vụ việc sữa giả là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm trọng đối với hệ thống quản lý thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng vốn có sức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Sự việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa bột giả trong suốt 4 năm qua đã khiến dư luận cả nước rúng động. Không chỉ xuất hiện tràn lan tại các đại lý, cửa hàng, các sản phẩm này còn "lọt" vào cả những nơi đáng lẽ phải an toàn tuyệt đối như bệnh viện, nơi chăm sóc sự sống và sức khỏe con người.

Đây không còn là vụ việc vi phạm đơn thuần về kinh doanh hay chất lượng sản phẩm, mà là lời cảnh tỉnh nghiêm trọng về hệ thống giám sát, quản lý thực phẩm chức năng, cũng như khoảng trống trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sau công bố chấn động của Bộ Công an, hàng loạt người tiêu dùng khắp cả nước bắt đầu kiểm tra, rà soát các loại sữa mình từng mua, phần vì lo sợ, phần vì bức xúc. Những sản phẩm sữa vốn được tin tưởng là nguồn dinh dưỡng cho người già, trẻ nhỏ, người bệnh... giờ đây lại trở thành mối đe dọa tiềm ẩn. Đau đớn hơn, người dân, những người tiêu dùng cuối cùng, lại đang là đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

suagia.png
Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả. Ảnh: CACC

Như trường hợp của chị Huyền ở Bắc Ninh, người đã mua gần 100 hộp sữa trong suốt 4 năm qua, giờ không thể trả lại hay được bồi thường. Đại lý từ chối nhận lại sản phẩm vì “chờ cơ quan chức năng thu hồi”, trong khi cơ quan quản lý thì... đang “rà soát”.

Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ đứng ra bảo vệ người tiêu dùng trong tình huống này? Trách nhiệm thuộc về ai - doanh nghiệp, đại lý, hay cơ quan quản lý nhà nước?

Một diễn biến đáng lo ngại hơn là sự hiện diện của các sản phẩm sữa giả trong hệ thống bệnh viện. Những ngày qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã phải ra thông báo tạm ngừng tư vấn và cung cấp sản phẩm từ công ty nằm trong đường dây sữa giả. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy lỗ hổng trong hệ thống đấu thầu, lựa chọn và giám sát các mặt hàng dinh dưỡng dùng trong bệnh viện – vốn dĩ cần sự nghiêm ngặt, kỹ lưỡng hơn cả.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Làm sao sữa giả có thể len lỏi vào cả bệnh viện? Những khâu kiểm định, rà soát, hồ sơ chứng nhận chất lượng, quy trình đấu thầu... đang ở đâu? Liệu còn bao nhiêu sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang tồn tại trong hệ thống y tế?

Một tuần sau khi vụ việc bị phanh phui, người dân vẫn chưa có trong tay danh sách chính thức các sản phẩm sữa giả, chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về việc đổi trả hay bồi thường. Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng không thuộc đối tượng quản lý, còn Bộ Y tế cho biết đã phân cấp cho địa phương, còn Chi cục An toàn thực phẩm Hòa Bình, nơi bốn công ty trong "hệ sinh thái" sản xuất sữa giả đăng ký hoạt động thì nói không thể hậu kiểm vì không có sản phẩm trên địa bàn.

Câu trả lời của các cơ quan quản lý không khỏi gây thất vọng. Trong bối cảnh người dân hoang mang, thị trường rối loạn, thì sự đùn đẩy trách nhiệm chỉ càng làm xói mòn niềm tin vào hệ thống quản lý nhà nước. Hàng trăm loại sữa giả đã được tung ra thị trường trong suốt 4 năm, thu về hàng trăm tỷ đồng, đó là số tiền xương máu mà người dân dành dụm, đầu tư vào sức khỏe bản thân và gia đình. Nay, họ bị phản bội.

Vụ việc sữa giả là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm trọng đối với hệ thống quản lý thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm dinh dưỡng vốn có sức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Thị trường sữa bột, dù không thuộc nhóm thuốc, nhưng có vai trò không nhỏ trong chăm sóc y tế, nhất là tại các bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các hộ gia đình có người bệnh và trẻ em.

Do đó, cần thiết phải có một hệ thống giám sát liên ngành với trách nhiệm rõ ràng, có thể phản ứng nhanh và minh bạch. Câu chuyện không thể dừng lại ở việc triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán sữa giả. Cơ quan chức năng cần sớm công bố danh sách các sản phẩm vi phạm, đồng thời có phương án bồi thường, xử lý các đại lý, đơn vị phân phối vi phạm.

Về mặt pháp lý, những hành vi như sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm cho người bệnh, trẻ em, cần được xử lý nghiêm khắc, tương xứng với mức độ nguy hiểm. Đây là hành vi gian lận thương mại, có thể cấu thành tội danh "lừa đảo", "sản xuất hàng giả gây hậu quả nghiêm trọng", ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Sự việc lần này đã gây tổn thất vật chất đe dọa đến niềm tin của người tiêu dùng với toàn bộ thị trường thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng. Nếu không được xử lý đến nơi đến chốn, không chỉ người dân thua thiệt, mà cả những doanh nghiệp chân chính cũng bị liên lụy, mất uy tín, mất thị phần.

Người dân đang trông chờ không chỉ kết luận điều tra từ Bộ Công an, mà còn sự vào cuộc trách nhiệm và dứt khoát từ Bộ Y tế, Bộ Công Thương, các địa phương và hệ thống y tế. Đây là lúc cần một hành động thống nhất, quyết liệt, không thể để sự việc trôi vào quên lãng như nhiều vụ gian lận khác trong quá khứ.

Để không còn những giọt sữa giả rơi vào bát cháo bệnh nhân, hay vào ly sữa của trẻ nhỏ, điều cần thiết hơn cả chính là một hệ thống quản lý có tâm và có tầm. Hành động hôm nay không chỉ để xử lý hậu quả của quá khứ, mà còn để bảo vệ sức khỏe và niềm tin của toàn xã hội trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khi sữa giả trở thành hồi chuông cảnh báo cho cả hệ thống giám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO