Mặc dù đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực năm 2024, nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó về dòng tiền.
>>Khối ngoại làm chủ “cuộc chơi” M&A bất động sản 2024?
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố tình hình nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý 4/2023. Trong đó, tính đến 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 1.022.532 tỷ đồng. Qua đó thể hiện rằng, nguồn tài chính đổ vào thị trường này bắt đầu sôi động hơn và ghi nhận mức tăng so với giai đoạn trước.
Doanh nghiệp cần chủ động khắc phục
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), thị trường địa ốc trong năm qua vẫn còn nhiều thách thức bởi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng như các nguồn vốn từ khách hàng, dẫn đến tình trạng thiếu vốn để triển khai dự án.
>>TP.HCM: Nỗ lực phát triển nhà ở xã hội
Trước những khó khăn về dòng tiền, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest cho biết, thủ tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp/dự án BĐS vẫn khá phức tạp, với 2 bước kéo dài trung bình 2 tháng và hồ sơ đòi hỏi nhiều loại giấy tờ không cần thiết (như biên bản/nghị quyết đại hội đồng cổ đông có ghi đích danh ngân hàng cho vay vốn, dự án vay vốn, số vốn vay). Điều này đã làm chậm trễ việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Do đó, để thị trường BĐS sớm khởi sắc trở lại, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc cần chủ động thực hiện một số giải pháp như đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
Cùng với đó, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, doanh nghiệp BĐS cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là trong năm 2024. Đồng thời, hướng tới minh bạch, cụ thể hồ sơ thuế, tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán…
Cần thêm động lực cho doanh nghiệp
Để khơi thông dòng tín dụng chảy vào thị trường địa ốc, bên cạnh những kế hoạch chi tiết mà doanh nghiệp tự đặt ra, một số doanh nghiệp BĐS cho rằng, ngành ngân hàng cần “mở” hơn về các điều kiện cấp tín dụng.
Cụ thể, về thủ tục, cần đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt và cấp tín dụng xuống dưới 1 tháng. Bên cạnh đó, cần giảm lãi suất nhiều hơn nữa, nhất là đối với các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt và phương án kinh doanh khả thi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ cho kéo dài thời gian cơ cấu khoản vay; tiếp tục cho phép dùng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn (thay vì rút xuống 30%); nới room cho những ngân hàng đang tham gia tái cơ cấu thị trường BĐS; kéo dài thời gian cho vay đối với các ngành liên quan trực tiếp tới BĐS.
Các chuyên gia cho rằng, việc “nới” tín dụng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp BĐS, vốn đã ở trong tình thế khó và lại chuẩn bị đối diện với “cơn bão” đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm