Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kế hoạch nhập khẩu than của TKV, Đông Bắc cũng như nhiều công ty thương mại trong năm 2020 qua địa bàn TP Cẩm Phả đã gặp nhiều thách thức.
Với việc nguồn than trong nước ngày càng cạn kiệt, cộng với việc ra đời hàng loạt các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam như: Mông Dương, Uông Bí, Cẩm Phả,… thì nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đã tăng mạnh. Chỉ tính riêng lượng than nhập khẩu cho sản xuất điện trong năm 2020 đã lên tới 12 triệu tấn và sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm 2025 với 30 triệu tấn; năm 2030 là 50 triệu tấn.
Bế tắc thông quan
Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu than đã gặp không ít khó khăn vì không có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), do nhiều nước trên thế giới áp dụng biện pháp mạnh trong phòng chống dịch, dẫn đến ảnh hưởng lớn tới nhập khẩu than của các doanh nghiệp, nhất là những lô hàng than mua từ đối tác: Nga, Úc, Nam Phi, Indonesia...
Đại diện tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, hiện nhiều lô hàng đã được xếp lên phương tiện vận tải hoặc đang trên hành trình vận chuyển về Việt Nam nhưng quá trình thông quan đang đối mặt với không ít trở ngại. Bởi một số tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại nước sở tại tạm dừng hoạt động hoặc giảm số nhân viên làm việc, dẫn đến phía đối tác chưa cung cấp được C/O. Mạng lưới dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế bị ùn tắc do nhiều hãng hàng không tạm thời hủy các chuyến bay giữa các quốc gia. Vì vậy, khi phương tiện vận chuyển than tới cảng đích, nhưng người nhập khẩu chưa có C/O bản gốc để xuất trình và thực hiện thủ tục theo quy định, dẫn đến lô hàng không giải phóng được.
Chị Phạm Phương Chi, đại diện Công ty CP Lecgroup than thở, năm 2020, Công ty nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn than để cung cấp than cho các nhà máy xi măng, nhiệt điện trong cả nước. Riêng trong quý I, Công ty đã nhập khẩu 400.000 tấn than, tương đương với 8 tàu hàng trọng tải 50.000 tấn/tàu. Dự kiến quý II, lượng hàng cần nhập khoảng 400.000-500.000 tấn than. Nếu tới đây không thông quan kịp thời, đơn vị mất thêm 15.000 USD/ngày (khoảng 300 triệu đồng) để trả cho các chủ tàu trong thời gian chờ giải phóng hàng.
Giải phóng thủ tục
Việc các lô hàng nhập khẩu than không giải phóng được cũng khiến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh “đau đầu” vì than nhập khẩu là một trong những nhóm hàng truyền thống làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, với số thu chiếm trên 60% tỷ trọng thu NSNN của Chi cục.
Được biết, ngành than cam kết với tỉnh Quảng Ninh sẽ nhập khẩu 14 triệu tấn than trong năm 2020. Chỉ tính đến ngày 15/4, các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu nhóm mặt hàng than qua địa bàn Cẩm Phả khoảng gần 3,5 triệu tấn với tổng kim ngạch trên 250 triệu USD, góp phần đưa số thu NSNN của Chi cục đạt gần 1.200 tỷ đồng trong đó, số thu NSNN từ than nhập khẩu đạt trên 700 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 07/11/2018
17:00, 18/04/2020
19:50, 01/04/2020
05:30, 03/03/2020
Liên quan đến việc các doanh nghiệp như TKV hay Tổng Công ty than Đông Bắc đang gặp phải, như hàng đã về nhưng doanh nghiệp lại không xuất trình được bản C/O gốc do các chuyến bay bị hủy bởi dịch COVID-19, ông Hoàng Tú Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả cho biết: Chi cục hiện đã đề xuất Cục Hải quan tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan nghiên cứu, chấp thuận đề xuất của doanh nghiệp được nộp C/O bản PDF được bên bán scan gửi qua email (thay thế C/O bản chính) để làm thủ tục hải quan. Phía doanh nghiệp sẽ cam kết chịu trách nhiệm về C/O bản PDF đã nộp cho cơ quan hải quan và phải có trách nhiệm gửi bản chính C/O sau khi nhận được...
“Mặc dù đề xuất như vậy nhưng điều này là trái với quy định hiện hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài chưa biết bao giờ mới chấm dứt mà không linh hoạt thì sẽ gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước”, ông Hoàn chia sẻ.