Không chỉ SCIC mà nhiều địa phương khác cũng ì ạch trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
>>> SCIC “vỡ kế hoạch” thoái vốn?
Sau 2 năm Thủ tướng yêu cầu cổ phần hóa 38 DNNN, nhưng đến cuối tháng 10/2021, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố giá trị doanh nghiệp.
Công tác thoái vốn DNNN tại TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phổ biến nhất là khâu sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của nhà nước. Và địa phương, doanh nghiệp phải chờ “nước đến chân mới nhảy”.
Tại kỳ báo cáo kinh tế xã hội quý 1/2021, TP.HCM mới có đề xuất không cổ phần hóa Saigontourist vì liên quan loạt khách sạn đất vàng. Mặc dù giới chuyên môn ủng hộ đề xuất này, nhưng cũng phải nói rõ rằng Saigontourist đã có tên trong danh sách phải cổ phần hóa năm 2018, cùng với 38 doanh nghiệp khác của TP.HCM, và phải khá lâu địa phương mới có đề xuất phương án xử lý.
Ngoài ra, TP HCM còn có các DNNN khác thuộc diện cổ phần hóa với 29 khoản góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất với các tổ chức nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh; các khu đất công ty liên doanh đang sử dụng cũng có vị trí quan trọng về mặt an ninh quốc phòng trước mắt và lâu dài – tức vướng “điều kiện khó” tương tự Saigontourist. Theo đó, TP.HCM cũng đã đề xuất phương án lập Công ty 100% vốn Nhà nước để điều chuyển vốn.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, cho rằng việc chuyển vốn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác cần phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời cần được tính toán để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Ngoài ra phải được thực hiện đúng luật chứ không thể bằng các văn bản hành chính.
Theo đó, nếu không có những rà soát, đánh giá, đề xuất cụ thể cho từng trường hợp và trên cơ sở đúng luật, phối hợp, tôn trọng chính tiếng nói nhà góp vốn liên doanh tại doanh nghiệp, thì TP HCM sẽ rất khó gỡ “mớ bòng bong” tái sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo danh mục. Cái khó, đầy tính bị động của TP HCM phải chăng cũng đã và đang là điểm “khó bao trùm” trong công tác này ở nhiều địa phương khác?
Bên cạnh đó, còn những điểm vướng mắc nhất định vẫn nằm ở công tác sắp xếp, xử lý lại nhà đất theo quy định Nhà nước. Trong đó, bao gồm cả các trường hợp chưa kịp sắp xếp để định giá doanh nghiệp do những vướng mắc liên quan đến pháp lý tài sản đất đai, rà soát tài sản đất từ các công ty con, thành viên, với số lượng nhiều hoặc nằm rải rác ở nhiều đại phương khác nhau.
Điển hình là trường hợp của PV Oil, tuy đã lên sàn UPCoM (OIL) nhưng doanh nghiệp vẫn đang phải từng bước xử lý vướng mắc như quyết toán cổ phần hóa tại PETEC, sắp xếp, xử lý đất đai theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ… Theo đó, việc thoái vốn Nhà nước khó có thể hoàn thành trước 2023 sau khi doanh nghiệp dự kiến quyết toán xong cổ phần hóa PETEC và của chính Tổng công ty.
Có thể bạn quan tâm