Hải Phòng với hơn 186.000 phương tiện vận tải ô tô mà chỉ có 2 bãi đỗ xe công cộng trong nội thành.
Dù kêu gọi xã hội hóa nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào “đánh liều” đầu tư vào bãi đỗ xe.
Bà Nguyễn Thu Hà ở xã Tân Tiến (huyện An Dương) công tác tại một doanh nghiệp trên đường Trần Phú. Mỗi ngày đi làm bằng ô tô, bà Hà phải bỏ thêm khoảng 30 phút đi bộ quãng đường 1,5 km từ bãi đỗ xe về công ty. Dù rất mất thời gian nhưng bà Hà không còn lựa chọn nào khác, bởi cả khu vực trung tâm Hải Phòng chỉ có duy nhất bãi đỗ xe này. Trong khi đó, tất cả các tuyến đường nội thành khu vực dải trung tâm Hải Phòng đều bị cấm đỗ xe, thậm chí cả vỉa hè.
Không chỉ riêng trường hợp bà Hà, mà rất nhiều các hộ gia đình sinh sống khu vực trung tâm Hải Phòng đều rơi vào tình cảnh có xe ô tô mà phải đi xe máy, vì có đến 80% tuyến phố khu vực trung tâm các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân bị cấm đỗ xe, hoặc dừng đỗ.
Theo quy hoạch bãi đỗ xe TP. Hải Phòng đến năm 2025, khu vực nội thành có tổng cộng 104 bãi đỗ xe, với diện tích 59,1 ha. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, khu vực nội thành mới chỉ có 2/87 các bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch được đưa vào khai thác. Đó là bãi đỗ xe tại số 125 Nguyễn Đức Cảnh và bãi đỗ xe tại Cung Văn hóa thiếu nhi TP Hải Phòng.
Bên cạnh đó, 11 bãi đỗ xe sử dụng gầm cầu được sử dụng từ trước năm 2018 đã bị thu hồi theo quy định tại Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT, dẫn đến tình trạng thiếu bãi đỗ xe công cộng nghiêm trọng.
Ông Hoàng Triệu Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Hải Phòng cho biết, nhiều vị trí bãi đỗ xe đề xuất trong quy hoạch chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử như ngày 10/2/2020, UBND quận Hồng Bàng đã có văn bản số 35/UBND-QLĐT báo cáo UBND TP Hải Phòng đề nghị không bố trí bãi đỗ xe ngầm/nổi tại khu vực vườn hoa đầu cầu Hoàng Văn Thụ và vườn hoa Kim Đồng.
Theo Sở GTVT Hải Phòng, nhu cầu vốn đầu tư cho các bãi đỗ xe đến năm 2025 khoảng 500 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20%, còn lại là vốn từ nguồn xã hội hóa. Đơn cử, một số bãi đỗ xe được quy hoạch trong khu vực đô thị có chi phí đền bù, giải phóng rất lớn như bãi đỗ xe trên đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Tố, Nguyễn Công Hòa…, nên không thực hiện được.
Theo ông Hoàng Triệu Hùng, việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, đặc biệt là các bãi đỗ xe cao tầng; bãi đỗ xe ngầm cần chi phí đầu tư tương đối lớn. Mặt khác, giá thuê đất tại khu vực trung tâm rất cao, trong khi đó TP. Hải Phòng chưa có cơ chế ưu đãi nhà đầu tư. Vì vậy, chưa thu hút được xã hội hóa bãi đỗ xe theo quy hoạch.
Được biết, giá gửi một xe ô tô 4 chỗ bình quân là 1 triệu/tháng. Như vậy, một bãi đỗ xe có 250 chỗ, trung bình thu được 250 triệu/tháng. Với mức thu này, trừ tiền lương nhân công, chi phí quản lý điện, nước, phòng cháy chữa cháy, tiền thuê đất thì lợi nhuận hông còn bao nhiêu. Chưa kể, nếu doanh nghiệp phải vay ngân hàng để đầu tư xây bãi đỗ xe thì rất khó có thể trả nợ được ngân hàng trong một sớm, một chiều.
Với số phương tiện ô tô tăng theo ngày mà chưa có đủ bãi đỗ xe theo quy hoạch là một điều bất cập. Do vậy, việc xây dựng cơ chế ưu đãi về vốn, mặt bằng và tiền thuê đất, thuế đất... để thu hút các nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe được cho là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Có thể bạn quan tâm