“Khoa học công nghệ và Kinh tế tư nhân – Chìa khóa thành công của các nền kinh tế trong kỷ nguyên số!”

Ngọc Hà - Đinh Thanh 11/04/2018 14:00

“Khoa học công nghệ và Kinh tế tư nhân – Chìa khóa thành công của các nền kinh tế trong kỷ nguyên số!” - Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Đây cũng là nội dung quan trọng tại cuộc họp Ban điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam được tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Toàn cảnh buổi họp Ban Điều hành VBCSD.

Toàn cảnh buổi họp Ban Điều hành VBCSD.

Trước đó, ngày 22/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các Bộ ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018. Hội nghị này được tổ chức trên cơ sở nâng cấp  chuỗi hội nghị về chủ đề này đã được VCCI tổ chức hàng năm trong suốt thời gian 5 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đón đầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Để chuẩn bị cho Hội nghị trên, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề: VCCI và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam phải chủ động đề xuất một “Chương trình hành động phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên số”.

“Có nhiều yếu tố quyết định đến hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của quốc gia, nhưng chủ thể chính của quá trình này là khu vực kinh tế tư nhân và cần có một Chương trình hành động cho khu vực này. Đây cũng chính là yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết và nhấn mạnh: Hai động lực chính để phát triển kinh tế là khoa học công nghệ (mà trào lưu mới là cuộc cách mạng công nghệ 4.0) và khu vực kinh tế tư nhân. Tích hợp hai động lực này trong phát triển là chìa khóa thành công của mỗi nền kinh tế. Hiện nay chúng ta đang nói nhiều đến kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận như thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp này thì vẫn còn phải bàn nhiều hơn, để doanh nghiệp Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng của chương trình hành động phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.

Đồng tình với quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, ông Matt Wilson – Đồng chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (VBCSD) cho biết: Điểm nhấn trong năm 2017 của VBSCD là đã thực hiện được nhiều chương trình về giảm phát thải, như đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, thách thức biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nhiều đến một số khu vực tại Việt Nam như Đồng bằng Sông Cửu Long, các đô thị Việt Nam,... Do đó, việc cần làm của các thành viên VBCSD là phải phối hợp với Chính phủ để đưa ra các giải pháp hữu ích, nhằm giải quyết những thách thức chung của nền kinh tế.

“Năm 2018, chúng ta có nhiều nội dung trong chương trình nghị sự chú trọng tới nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững như TS.Vũ Tiến Lộc đã đề cập. Chúng tôi mong muốn có nhiều cuộc đối thoại trong năm 2018 sẽ được thực hiện về phát triển bền vững để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên”, ông Matt Wilson cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD, cũng cho biết: “Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong Hội đồng đã tăng đáng kể. Hy vọng trong thời gian tới, đi cùng với việc Hội đồng mở rộng về mặt hoạt động, quy mô thì sự liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên với nhau, giữa các doanh nghiệp không phải là hội viên trong chuỗi giá trị sẽ ngày càng được cải thiện”.

Chú trọng đến doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Bà Phan

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giầy – Túi xách Việt Nam: một trong những điều quan tâm của Hiệp hội ngày nay đó chính là định hướng các doanh nghiệp phát triển bền vững

Dường như ý kiến của TS. Vũ Tiến Lộc đã chạm đến những băn khoăn của doanh nghiệp, theo đó, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giầy – Túi xách Việt Nam cho biết, một trong những điều quan tâm của Hiệp hội ngày nay đó chính là định hướng các doanh nghiệp phát triển bền vững. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, FDI có năng lực tốt, nhưng đa số doanh nghiệp lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực hạn chế. Do đó, chúng ta cần có giải pháp giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn Quang Vinh cũng thừa nhận, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong việc triển khai chuỗi giá trị bền vững. Đây sẽ là một trong những mục tiêu hoạt động của VCCI và VBCSD nhằm khắc phục những hạn chế nói trên trong năm 2018. VBCSD sẽ tiếp tục phối hợp với các công ty đa quốc gia, các hiệp hội doanh nghiệp phổ biến bộ chỉ số CSI đến các doanh nghiệp siêu nhỏ nhỏ và vừa. Việc này đã được Ban thư ký Hội đồng triển khai cùng Deloitte trong năm 2017.

Năm 2017, một trong những hoạt động nổi bật của VBCSD là nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức về phát triển bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, trong đó có kiến nghị về xây dựng nguồn lực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể, xây dựng chuỗi giá trị bền vững được lồng ghép yếu tố phát triển bền vững xuyên suốt các công đoạn sản xuất, phân phối các sản phẩm dịch vụ. Trước bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ phát triển, toàn cầu hoá trở thành xu thế tất yếu, kinh tế tri thức trở thành đặc trưng của nền kinh tế, thì việc phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản trong mô hình này.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức và thúc đẩy tinh thần doanh nhân xã hội trong giới trẻ cũng như sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là những hoạt động được xác định cần thúc đẩy và khuyến khích hơn nữa./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Khoa học công nghệ và Kinh tế tư nhân – Chìa khóa thành công của các nền kinh tế trong kỷ nguyên số!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO