Khoảng trống pháp lý với dự án dưới 200 tỷ muốn đầu tư theo hình thức PPP

Ngọc Hà 12/08/2019 05:00

Đó là câu hỏi quan trọng VCCI đã đưa ra khi góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới đây.

Liên quan đến quy định về quy mô tối thiểu dự án PPP, hiện nay, Điều 5.2 của Dự thảo quy định “Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng”. Hạn mức này đã được giải thích một cách hợp lý tại tờ trình, theo đó, các quy định của Luật này chỉ nên áp dụng cho các dự án PPP quy mô lớn.

Quy định về quy mô dự án đầu tư theo hình thức PPP trên 200 tỷ

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng giao Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này đặt ra câu hỏi về việc các dự án dưới 200 tỷ đồng nếu muốn thực hiện theo hình thức PPP thì làm thế nào? Đặc biệt, nhiều dự án quy mô nhỏ trong các lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, trụ sở cơ quan nhà nước, giáo dục… có mức đầu tư tương đối thấp, tỷ lệ dự án dưới 200 tỷ lớn. Đây cũng là định hướng mà Đảng, Chính phủ hiện nay đang khuyến khích.

Để giải quyết vấn đề này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng giao Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định với các quy định tương tự như Luật này nhưng ở mức độ đơn giản hơn phù hợp với các dự án PPP quy mô nhỏ.

Liên quan đến nội dung góp ý về nguyên tắc tôn trọng hợp đồng PPP, theo VCCI, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư. Hợp đồng này ràng buộc trách nhiệm của toàn bộ Nhà nước Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cơ quan hay người đại diện ký hợp đồng, trừ khi chứng minh được có gian dối khi ký hợp đồng. Đây là nguyên tắc được thừa nhận đương nhiên trong pháp luật hợp đồng và thực tiễn xét xử các tranh chấp hợp đồng PPP.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nhiều chủ đầu tư phản ánh tình trạng thiếu tôn trọng hợp đồng PPP từ các cơ quan nhà nước. Như, một số cơ quan đưa ra yêu cầu với chủ đầu tư trái với nội dung hợp đồng và cho rằng hợp đồng đó do cơ quan khác ký nên không ràng buộc cơ quan mình. Điều này gây rất nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư vì họ lại mất thời gian giải thích cho các cơ quan nhà nước pháp luật hợp đồng.

"Nguy hại hơn, thực tế này khiến môi trường đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam rất rủi ro, khó thu hút nhà đầu tư", VCCI nhấn mạnh.

Để tránh tình trạng này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc rằng các cơ quan, cán bộ nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • PPP là lựa chọn tối ưu cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam

    PPP là lựa chọn tối ưu cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam

    11:00, 28/07/2019

  • Dự thảo luật PPP sẽ tạo ra

    Dự thảo luật PPP sẽ tạo ra "cú hích" cho sự phát triển hạ tầng của Việt Nam

    11:00, 16/07/2019

  • Dự thảo Luật PPP những điểm nhà đầu tư cần lưu ý

    Dự thảo Luật PPP những điểm nhà đầu tư cần lưu ý

    20:07, 14/07/2019

  • Người dân “vắng bóng” trong đầu tư PPP?

    Người dân “vắng bóng” trong đầu tư PPP?

    11:00, 08/07/2019

  • Lần đầu tiên có dự án “triệu USD” về xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP

    Lần đầu tiên có dự án “triệu USD” về xử lý chất thải rắn theo hình thức PPP

    05:09, 05/07/2019

Ngoài ra, liên quan đến nội dung công khai thông tin và lấy ý kiến, hiện nay, dự thảo đã có quy định về công khai thông tin tại Điều 11. Tuy nhiên, theo VCCI, dự thảo lại chưa có quy định về việc lấy ý kiến trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều luật về việc lấy ý kiến cộng đồng, với các nội dung như:

Cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và cách thức tiếp nhận ý kiến góp ý trên website của mình ít nhất 60 ngày trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp từ người sử dụng thì cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương phải gửi văn bản lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc các tổ chức đại diện của họ. Ví dụ, các dự án đường bộ cần lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải, người dân trong khu vực; các dự án sân bay cần lấy ý kiến các doanh nghiệp hàng không…

Nội dung thông tin cung cấp khi lấy ý kiến phải bao gồm thông tin cơ bản về dự án, những ích lợi mang lại cho người sử dụng, mức phí/giá, thời gian thu, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo hợp đồng…

Các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng.

Hiện nay, Điều 11 của dự thảo đã quy định nhiều nội dung thông tin của dự án phải công bố, tuy nhiên, vẫn cần công bố thêm nhiều thông tin nữa để bảo đảm quyền giám sát của người dân. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung thông tin phải công bố gồm: Công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ (các thông tin này được che mờ hoặc bôi đen).

Đồng thời, công khai các báo cáo thẩm định dự án. Cuối cùng, công khai các báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khoảng trống pháp lý với dự án dưới 200 tỷ muốn đầu tư theo hình thức PPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO