Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Quảng Trị đang nhanh chóng hình thành cơ sở hạ tầng phục vụ giao thương, vận tải xuyên biên giới cả trên biển và trên bộ.
Cuối tháng 3/2025, Công ty CP Hàng hải VSICO đã khởi công cản cạn tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Dự án sử dụng diện tích 85.782 m2, tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng; năng lực thông quan hàng hóa 3,5 triệu tấn/năm.
Đây là cảng cạn đầu tiên tại Quảng Trị - trên hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Do đó, sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng và phát triển lĩnh vực logistics giai đoạn 2025 – 2030, đưa Quảng Trị vươn về phía Tây.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng hải VSICO cho rằng: “Cảng cạn VSICO Quảng Trị sẽ đóng vai trò như một trung tâm logistics chiến lược, giúp giảm tải áp lực cho các cảng biển, tiết kiệm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa”.
Quan trọng hơn, cảng này sẽ góp phần giúp Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực. “Nếu Quảng Trị trở thành trung tâm logistics đủ năng lực, sẽ tạo lực hút đầu tư và phát triển, kéo nguồn hàng hóa từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào quá cảnh qua Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị nhấn mạnh.
Theo dữ liệu từ Sở Công thương Quảng Trị, hàng quá cảnh đi qua Quảng Trị gồm bột giấy, linh kiện thiết bị điện tử và máy tính, lốp ô tô, hàng dệt may. Hàng quá cảnh đến gồm phế liệu giấy, than đá, thiết bị xếp đĩa từ, linh kiện máy tính bảng, máy tính xách tay Dell, điện thoại di động Samsung, thiết bị bán dẫn, linh kiện ô tô, hóa chất, hàng may mặc, tiêu dùng, bia, rượu từ các nước Canada, Mỹ, Australia, Trung Quốc đi đến nhà máy SunPaper (Lào), Thái Lan, cho đến Singapore.
Ví dụ, trong thời điểm năm 2021, dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giá trị hàng hóa quá cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo lên tới mức kỷ lục hơn 12 tỷ USD. Điều đó đã chứng minh tính “đặc dụng” của tuyến đường này.
Nhu cầu lưu thông rất lớn nhưng năng lực đáp ứng còn hạn chế, do hai nguyên nhân chính: chậm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, và thiếu vắng nguồn lực từ doanh nghiệp lớn. Hiện nay, tại các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) về phía Việt Nam chưa có trung tâm logistics.
Việt Nam đang bước vào cuộc thay đổi lớn, có chiều sâu, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Một trong những trụ cột được bàn đến rất nhiều hiện nay là “khai phóng động lực cho kinh tế tư nhân”. Biểu hiện cụ thể là trào lưu đầu tư mới, tại các cực tăng trưởng mới sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, các địa phương, trong đó có Quảng Trị, cần nắm bắt cơ hội này, trên cơ sở xác định đúng tiềm năng, lợi thế để bứt phá.
Thứ nhất, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Hiện đã có khung khổ cơ chế, nhưng chưa có quyết sách lớn, mang tính đặc thù.
Thứ hai, với đặc điểm rất “đặc biệt” của Quảng Trị, cần kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan đến hạ tầng logistics đang triển khai trên địa bàn và hỗ trợ thu hút đầu tư các dự án logistics, giao thông. Đồng thời, tổ chức làm việc cấp cao nhất với Lào và Thái Lan để tháo gỡ các vướng mắc cơ chế luật pháp giao thông vận tải trên EWEC.
Thứ ba, cần thiết lập một Trung tâm chuẩn hoá dịch vụ logistics - bao gồm các dịch vụ như như theo dõi, giám sát hàng gửi; xử lý thủ tục hải quan hiệu quả và phi giấy tờ. Bên cạnh đó, thành lập một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics chuyên nghiệp có quy mô trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và khu vực.
Thứ tư, hoàn thiện các cơ chế quản lý Nhà nước ở địa phương, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.