Thị trường Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều các dòng vốn, cả nội lẫn ngoại. Tuy nhiên để duy trì mức độ hấp dẫn cũng như chuyển hóa thành động lực tăng trưởng kinh tế vẫn còn chờ thời gian phía trước.
Những tháng cuối năm 2017, nhiều tín hiệu vui với thị trường vốn Việt Nam, khi đợt thoái vốn nhà nước tại Vinamilk và Sabeco đã thu về gần 6 tỷ USD. Hay các công ty tư nhân đã nhận nhiều nguồn vốn mới như Vincom Retail thực hiện đợt chào bán của các cổ đông hiện hữu đã thu về giá trị là 741 triệu USD. SII, FE Credit cũng đã gọi được vốn từ các định chế tài chính nước ngoài lên đến hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm nay đã lên đến 16 tỷ USD.
Bệ đỡ tốt
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra quan tâm và đầu tư nguồn lực tài chính vào thị trường Việt Nam trước hết họ nhìn vào chất lượng nền kinh tế. Ở góc độ vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất và dịch vụ, yếu tố nền tảng cho phát triển bền vững, thay vì đến từ các hoạt động mang tính đầu cơ tài sản.
Và đặc biệt là sự cam kết của Chính phủ tập trung cải cách hệ thống tài chính tiền tệ, trong đó cải cách hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước, kiên quyết thực thi cổ phần hóa nhằm giảm thiểu việc nhà nước can thiệp vào việc kinh doanh, trao vai trò kinh doanh cho tư nhân và coi việc kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
“Trong giai đoạn vừa qua, nhà nước định hướng nguồn lực thông qua các chính sách, để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động và phân bổ nguồn lực dựa vào hiệu quả đầu tư của xã hội. Với chính sách minh bạch, niềm tin được cải thiện, nên các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào các dự án kinh doanh, mua cổ phiếu, tham gia công ty theo hình thức FII, hay FDI, qua đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế, không cần phải phụ thuộc vào chi tiêu của Chính phủ”, ông Hưng phân tích.
Ở góc độ vi mô, điểm hấp dẫn các nhà đầu tư là tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, mà thể hiện rõ nhất qua các đợt chào bán cổ phiếu thành công trên sàn chứng khoán. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, VN-Index - chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam - đã tăng trưởng hơn 16% trong năm 2016. Đến thời điểm này của năm 2017, VN-Index tiếp tục tăng trưởng thêm 24,5%, trong khi HNX-Index tăng trưởng 36%. Thanh khoản của thị trường đã tăng 50% từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế
Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng đã có những bước phát triển nhanh, mạnh. Nếu năm 2006, dư nợ thị trường trái phiếu mới đạt mức 14% GDP thì đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 40%, trong đó chủ yếu là thị trường trái phiếu chính phủ (gần 30% GDP) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (xấp xỉ 6% GDP). Thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ đã tăng ngoạn mục từ mức hơn 324 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức gần 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng 27 lần và gấp đôi giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường cổ phiếu.
Theo ông Dũng, nếu như năm 2016 có sự rút vốn nhẹ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu, thì trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khá nhiều trên cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 10/2017 đã tăng 47,4% so với cuối năm 2016. Có thể nói rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và có cơ cấu ngày càng vững chắc và hoàn thiện. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.
Ở một góc nhìn khác, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, Việt Nam còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội và lợi nhuận. Thị trường Việt Nam đang có ba yếu tố hấp dẫn, gồm: Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp, tốc độ phát triển bền vững và dân số đông, thu nhập đầu người tăng. Việt Nam đang duy trì sự phát triển bền vững của GDP với mức tăng từ 6 - 6,5%. Với quy mô dân số tiệm cận 100 triệu dân, trong đó 60% có độ tuổi dưới 35, đây là nguồn lao động rẻ, chất lượng; thu nhập bình quân đầu người tăng trung bình 20 - 25%, chi tiêu cũng tăng nhiều so với 10 năm về trước. Ngoài ra, Việt Nam còn có sự ổn định chính trị, kinh tế, vĩ mô, thể chế chính sách minh bạch và đang được cải thiện, mà đây là những cơ hội và điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động lâu dài, phát triển.
Thách thức dài hạn
Việt Nam đang nhìn vào việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi như là một cơ hội lớn để thu hút dòng vốn lớn, dài hạn và ổn định từ nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, một khi thị trường được nâng hạng thì các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến thị trường Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt các quỹ đầu tư dài hạn và quy mô lớn, vì tiêu chí của những quỹ này là chỉ đầu tư vào những thị trường minh bạch, an toàn.
Thanh khoản của thị trường đã tăng 50% từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017
Tuy nhiên, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội nâng hạng thị trường trong năm 2017. Theo ông Valentin Laiseca, Phụ trách thị trường Đông Nam Á, MSCI, nguyên nhân Việt Nam chưa được nâng hạng thị trường do chưa đáp ứng các tiêu chí như sở hữu nước ngoài vẫn bị giới hạn tại một số ngành nghề có điều kiện và nhạy cảm. Mặc dù đã phát đi các tín hiệu tích cực về mở room nước ngoài, song Việt Nam không có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường tiền tệ trong nước cũng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, thời gian qua, thanh khoản của thị trường tiền tệ trong nước vẫn tương đối thấp. Một số yêu cầu tối thiểu như các công ty phải công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng chưa đầy đủ, khiến nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận thông tin. Việt Nam chưa có tổ chức bù trừ chính thức, mà phải thông qua Trung tâm lưu ký chứng khoán; không có công cụ vay thấu chi và các giao dịch cần ứng tiền trước…
“Chúng tôi sẽ quay lại xem xét việc nâng hạng thị trường Việt Nam vào năm 2019 và nếu Việt Nam đáp ứng các tiêu chí đặt ra thì chính thức nâng hạng vào năm 2020”, ông Valentin Laiseca cho biết.
Nếu câu chuyện nâng hạng thị trường nằm ở tương lai thì hiện tại IFC vẫn đang đánh giá tốt tính bền vững về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mà theo ông Kyle Kelhofer, IFC sẽ tiếp tục gia tăng danh mục đầu tư tại VIệt Nam từ 700-800 triệu USD lên 2-3 tỷ USD trong thời gian tới. “Chúng tôi cũng nhìn thấy triển vọng thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, tiêu dùng, bán lẻ, dịch vụ y tế và giáo dục”, ông Kyle Kelhofer nói p