Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới.
Đây là nhận định của TS. Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp 2018 với nội dung: Phát triển thị trường đầu tư khởi nghiệp – Giải pháp từ thực tiễn do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 24/4.
Theo ông Phạm Tất Thắng, khởi nghiệp kinh doanh luôn là nỗi trăn trở của mỗi quốc gia, vì nó là vấn đề cốt yếu quyết định sự hưng thịnh của một dân tộc. Trước bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển nhưng cũng tạo ra không ít thách thức, chính vì vậy việc khởi dậy tinh thần khởi nghiệp, hình thành đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam hùng mạnh, xây dựng thương hiệu Quốc gia toàn cầu chính là con đường để Việt Nam có thể bắt nhịp và phát triển nhanh, bền vững trong thị trường kinh tế quốc tế sâu rộng và bền vững. Tinh thần khởi nghiệp ở giai đoạn hiện tại đang là hào khí và là triết lý văn hóa của dân tộc.
Nhiều điều kiện để khởi nghiệp
Ông Phạm Tất Thắng đã kể lại, sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi các bạn thanh niên ngày 12/8/1947, trong đó Người chỉ rõ: "Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước". Từ lời dạy của Bác, ta có thể khẳng định vai trò then chốt của Thanh niên, của thế hệ trẻ trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp”.
Theo ông Phạm Tất Thắng, thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế so với những thế hệ đi trước. Theo đó, toàn cầu hóa và internet đã tạo ra sự khác biệt, đã xóa bỏ khoảng cách địa lý và ranh giới quốc gia, tạo ra những cơ hội bình đẳng trong tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của nhân loại. Thanh niên Việt Nam ngày nay được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến khác nhau, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay nhất của thế giới, vì thế đang có những lựa chọn và cơ hội rất tốt cho khởi nghiệp.
TS.Phạm Tất Thắng cho rằng, khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến các bạn sinh viên mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất? Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thanh niên Việt Nam.
“Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, những của cải mới cho xã hội”, TS. Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo
Những năm gần đây Nhà nước và Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp trong Thanh niên, sinh viên. Trong đó phải kể đến Quyết định 1665/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" đã cổ vũ, khuyến khích và tạo động lực lớn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chính vì vậy, môi trường và cơ hội khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam rất thuận lợi để ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ nảy mầm, lớn mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng dang có tốc độ phát triển mạnh mẽ, và sẽ còn mạnh hơn nữa.
“Việt Nam có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp”, TS Phạm Tất Thắng nhận định.
Cũng theo TS.Phạm Tất Thắng, trong thời kỳ cả đất nước đang chung tay xây dựng một quốc gia khởi nghiệp. Các bạn học sinh, sinh viên không còn đơn độc trên hành trình kinh doanh của mình mà có cả một cộng đồng khởi nghiệp, những người sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác cùng các startup. Sẽ có nhiều thế hệ doanh nhân đi trước của Việt Nam rất sẵn lòng trao đổi, hỗ trợ và đồng hành cùng các startup.
"Việt Nam đã bước sang một thời kỳ phát triển mới, Nhà nước không phải là người đi làm kinh tế; mà làm kinh tế phải là doanh nghiệp, là người dân, là những thanh niên đầy hoài bão và tài năng như các bạn học sinh, sinh viên. Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát triển. Nhà nước quyết tâm chấn hưng giáo dục, cải thiện các yếu tố tác động tích cực hệ sinh thái khởi nghiệp, đặt thế hệ trẻ luôn là mối quan tâm lớn nhất của Nhà nước. Và Nhà nước luôn muốn đồng hành cùng các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp." TS Phạm Tất Thắng nhìn nhận.
Ngoài ra, đánh giá cao các sáng kiến và hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên của VCCI, TS. Phạm Tất Thắng cũng nhận định rằng, Chương trình Quốc gia Khởi nghiệp do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đã là nguồn cảm hứng, là chỗ dựa cho hàng vạn các bạn thanh niên – sinh viên khởi nghiệp.
Phạm Tất Thắng đề xuất: “Tôi mong muốn VCCI sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn nữa, đứng cùng Nhà nước trong công cuộc chấn hưng quốc gia bằng tinh thần khởi nghiệp”.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Tất Thắng cũng đề nghị: “Các Bộ ngành, các trường Đại học, Đoàn thành niên và các tổ chức liên quan tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đồng hành và hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ học sinh phát triển tư duy khởi nghiệp thậm chí ngay từ cấp độ phổ thông trung học. Hướng tới xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động trong đó mọi thanh niên – sinh viên đều khát khao khởi nghiệp, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất cho xã hội”.