Vợ chồng Tâm Trang đã khởi nghiệp thành công với hệ thống máy móc sản xuất bánh tráng, tạo việc làm cho 9 lao động tại địa phương. Đây là một trong mô hình phụ nữ khởi nghiệp quận Bình Thủy.
Mới ngoài 30 tuổi, đôi vợ chồng chị Phạm Thị Trang và anh Nguyễn Văn Tâm ngụ khu vực 1, phường An Thới, quận Bình Thủy đã gầy dựng được cơ sở sản xuất bánh tráng bò bía (loại bánh tráng thường dùng cuốn chả giò và làm món bò bía ngọt) với hệ thống máy móc hiện đại, tạo việc làm cho 9 lao động tại địa phương. Đây là một trong mô hình phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Thới, quận Bình Thủy.
Tâm chia sẻ: “Biết nhu cầu thị trường các tỉnh miền Tây đối với món bánh này còn lớn trong khi xưởng sản xuất ở TP Hồ Chí Minh không đủ nguồn cung nên chúng tôi nhắm hướng miền Tây làm tiền trạm. Sau 2 tháng tìm hiểu thị trường và hệ thống đường giao thông, vận chuyển hàng hóa, chúng tôi chọn Cần Thơ làm điểm dừng chân”. Ðầu năm 2011, Tâm và Trang dọn về Cần Thơ, đầu tư khuôn tráng bánh, bắt tay vào khởi nghiệp. “Lúc mới bắt đầu, chúng tôi gian nan lắm. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Chúng tôi thuê 2 phòng trọ vừa để ở, vừa tận dụng làm nơi sản xuất bánh với 4 lao động là vợ chồng tôi, mẹ và em trai. Lúc đó, tất cả các công đoạn đều làm thủ công, mỗi ngày sản xuất chừng vài chục xấp bánh” - Trang chia sẻ.
Có bánh, cả 2 đi chào hàng, ký gửi ở các cửa hàng, tiệm tạp hóa các tỉnh. Sau 1-2 tháng, cơ sở mới bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên rồi tăng dần theo từng ngày. Số lượng nhân công lúc đông nhất lên đến 16 người. Sau nhiều lần dời đổi, năm 2017, vợ chồng Trang “liều” vay mượn tiền của bà con thân thuộc và ngân hàng đầu tư cơ sở sản xuất bánh tráng bò bía Tâm Việt với máy móc hiện đại, công suất sản xuất khoảng 2.000 xấp bánh mỗi ngày. Có máy đánh bột, tráng bánh tự động và máy ép bao bì, số lượng lao động thủ công giảm lại. Hiện nay, cơ sở của vợ chồng Trang đang giải quyết việc làm cho 8 lao động nữ phụ trách đếm, xếp bánh vào bao bì, thu nhập tính theo sản phẩm và 1 lao động giao hàng với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, 68 tuổi nhà gần cơ sở, nên đi làm rất thuận tiện. Cô Mai cho biết: “Công việc đếm, xếp bánh rất nhẹ nhàng nên tôi làm khá tốt. Tôi làm ở cơ sở được hơn 2 năm, trung bình mỗi ngày tôi đếm, xếp được 300 xấp bánh, kiếm được 84.000 đồng. Cuối tháng còn được lãnh thêm 300.000 đồng tiền chuyên cần. Trước khi vào đây làm, tôi ở nhà không có việc làm. Từ khi có công việc vừa sức, có thu nhập các con đỡ lo mà tôi cũng vui hơn”. Cô Nguyễn Thị Phượng, 64 tuổi, gắn bó với cơ sở sản xuất bánh tráng bò bía của vợ chồng Trang được 7 năm nay. Trung bình mỗi ngày cô Phượng kiếm được khoảng 130.000 đồng tiền công.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Thới, cho biết: “Hội LHPN phường đang tiến hành thủ tục đề nghị hỗ trợ vốn vay cho Trang nhằm đầu tư thêm máy móc, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho nhiều lao động hơn. Bên cạnh đó, Hội hỗ trợ giới thiệu đầu ra sản phẩm cho cơ sở thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại ngày hội phụ nữ khởi nghiệp, hội chợ việc làm,... Ðồng thời, kết nối với một số doanh nghiệp liên quan để thúc đẩy hợp tác, trao đổi hàng hóa, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Với mô hình sản xuất bánh tráng này, vợ chồng Trang đang hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương rất hiệu quả”. Làm ở cơ sở được hơn 1 năm nay, em Nguyễn Kim Thoa, 18 tuổi, phụ trách đứng máy tráng bánh và tranh thủ đếm, xếp bánh thêm, kiếm thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Thoa cho biết trước khi vào làm ở đây, em từng làm công nhân may ở tỉnh Bình Dương. Biết có cơ sở gần nhà, em đăng ký vào làm, công việc vừa sức, có thu nhập ổn định và được ở gần gia đình.
Vượt qua giai đoạn đầu khởi nghiệp đầy gian nan, liều mình đầu tư nhà xưởng rồi trả nợ suốt gần 4 năm, đến nay, khi xưởng đã hoạt động khá ổn định, chị Trang mới yên tâm. Chị cho biết: “Nhờ vợ chồng đồng lòng, ông xã tôi lo khâu ngoại giao, phát triển thị trường tiêu thụ, còn tôi quán xuyến việc sản xuất và chất lượng sản phẩm. Ðến nay, trung bình mỗi ngày, chúng tôi sản xuất, bỏ mối các tỉnh, thành phố: Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ khoảng 2.000 xấp bánh các loại. Ðặc biệt thời gian cận Tết, lượng bánh cung cấp cho thị trường tăng lên gấp đôi, cũng tạo thu nhập nhiều hơn cho lao động”. Lên kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm máy móc, cải tiến bao bì cùng sự hỗ trợ từ Hội LHPN địa phương, tin rằng cơ sở của vợ chồng chị Trang sẽ ngày càng phát triển, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế không chỉ cho vợ chồng chị mà còn cho nhiều lao động địa phương.