Thời gian qua, trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư vào địa bàn.
Quyết tâm thực hiện
Năm 2025, tỉnh Quảng ninh thực hiện mục tiêu với quyết tâm đạt mốc tăng trưởng kinh tế từ 14% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Trong đó, tỉnh quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tập trung chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số; hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; thúc đẩy liên kết giữa các thành viên, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, với chính quyền, và các tổ chức khoa học…
Theo BQL Khu kinh tế, trong 4 tháng đầu năm 2025, Quảng Ninh thu hút đầu tư vốn FDI đạt 202,331 triệu USD, trong đó cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án, tổng vốn 119,92 triệu USD, điều chỉnh 32 lượt dự án, có 7 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 84,39 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách trên 6.759 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 595 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký đạt 5.784 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trong tỉnh là 10.943; thành lập mới 57 HTX, nâng tổng số 734 HTX đang hoạt động hiện nay.
Đặc biệt, tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là chủ trương, chính sách mới của trung ương, của tỉnh… thông qua: Website, fanpage của tỉnh, địa phương, sở, ngành; nhóm zalo, email, phát hành văn bản. Trung tuần tháng 4/2025, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Liên minh HTX tỉnh để đánh giá về tình hình hoạt động, khả năng phát triển và giải quyết các bất cập, nhất là về chính sách tín dụng, đất đai, thủ tục giao biển, kết nối tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, ứng dụng KHCN vào sản xuất… Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể các giải pháp về cơ cấu dịch vụ, công nghiệp hiện đại, áp dụng mô hình phát triển loại hình HTX hiện đại nhằm giúp cho sự đầu tư, liên kết của các doanh nghiệp phát triển vững chắc, giảm chi phí đầu vào, sản phẩm có tính cạnh tranh cao; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt HTX trong tỉnh chất lượng, có trình độ thực tiễn sản xuất, thực tiễn thị trường…
Cũng trong tháng 4/2025, Liên minh HTX tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp bảo hiểm cho HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Ấn tham dự hội thảo đã có những yêu cầu cụ thể: Liên minh HTX tỉnh và các sở, ban, ngành và các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX, tập trung chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, tài chính, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ chuyển đổi số; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị; xem xét hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo sự tham gia của HTX trong các chính sách bảo hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, phục hồi sản xuất, phát triển HTX…
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực phấn đấu để đưa doanh nghiệp vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiếp tục phát triển đi lên. Để đạt mốc tăng trưởng kinh tế từ 14% trở lên, tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường cải cách TTHC, tạo thuận lợi các thủ tục cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI vào địa bàn. Đến nay, Quảng Ninh có 218 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16,77 tỷ USD.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tính thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ninh có 12.021 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động. Thời gian qua cùng các cơ chế, chính sách, Quảng Ninh cũng tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức. Công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua có nhiều đổi mới và hiệu quả. Cụ thể, trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành điện, các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp Sông Khoai; tổ chức Hội nghị cafe doanh nhân với chủ đề “Đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”; xây dựng và vận hành trang Zalo Official Account để tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp vẫn có thể vay vốn.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi để nâng cao khả năng huy động vốn. Để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tiếp đà của năm 2024 với 43 khóa đào tạo cho 1.443 doanh nghiệp về quản trị và công nghệ số đã được tỉnh tổ chức.
Theo ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp tục triển khai thực hiện, tập trung vào những lĩnh vực, khó khăn vướng mắc cụ thể để giải quyết dứt điểm. Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và có các cơ chế chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực như nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường...
Được biết, trước yêu cầu đổi mới và duy trì nền nếp công việc trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp, ngày 13/5/2025, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành công văn chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong giải quyết TTHC, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã quyết liệt chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm và chịu trách nhiệm chỉ đạo giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Ban Thường vụ Đảng uỷ UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục, 30% chi phí TTHC, hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC đã được phê duyệt; đảm bảo 100% TTHC nội bộ được cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp với quy định mới của pháp luật về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…