Mặc dù được coi là động lực quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn.
Thực tế cho thấy, sau dịch Covid-19, tiếp cận vốn là vấn đề cấp bách của doanh nghiệp. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất cố gắng để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục hành chính, song theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có hơn 28% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu vốn đến khát vốn.
Cũng theo thống kê của VINASME, tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 963.300 doanh nghiệp, trong đó, khoảng 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự khó khăn trong tiếp cận vốn của các doanh nghiệp này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần có giải pháp vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phân tích rõ hơn về khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Trần Văn Hiển, Phó trưởng Ban Đào tạo và Hội viên, VINASME cho biết, nguyên nhân cơ bản khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn là bởi thông tin còn thiếu tin cậy để có thể đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đó là không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Nếu được vay thì tỷ lệ vay trên giá trị tài sản bảo đảm đó không cao, chỉ khoảng 50 – 60%.
Một khó khăn nữa là dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp. Nguyên nhân bởi nguồn nhân lực còn quá yếu, rất nhiều doanh nghiệp không có bộ phận dự án để xây dựng dự án chuyên nghiệp. Cùng với đó, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp còn thiếu tin cậy, “có những doanh nghiệp sử dụng tới 2 - 3 sổ kế toán”; chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch tài chính cho từ 3 - 5 năm.
Để cải thiện tình hình hiện nay, ông Trần Văn Hiển nhấn mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần minh bạch thông tin để cải thiện khả năng tiếp cận vốn. Theo đó, phải xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, phù hợp với thực tế cũng như thế mạnh của mình. Minh bạch, lành mạnh thông tin như báo cáo tài chính và có lợi nhuận, vốn chủ sở hữu đăng ký phải phù hợp, tài sản bảo đảm có nguồn gốc rõ ràng. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các nguồn vốn ưu đãi.
“Trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục thúc đẩy các các giải pháp về đào tạo, kết nối, áp dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Cụ thể, tổ chức các khóa nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, quản trị tài chính; ký kết bản ghi nhớ với các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, đại diện này chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lưu Việt Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng OCB TP Hồ Chí Minh cho rằng, để khơi thông “điểm nghẽn” tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nên lưu trữ cẩn thận và đầy đủ, thường xuyên cập nhật tình trạng pháp lý đúng với thực tế hoạt động. Hồ sơ pháp lý rõ ràng, đầy đủ sẽ rút ngắn thời gian thẩm định, xác minh của ngân hàng, đồng thời tạo được uy tín và sự đảm bảo trong đánh giá của các ngân hàng.
“Nếu các doanh nghiệp đã có khoản vay, điều đặc biệt lưu ý là doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện tín dụng. Uy tín của doanh nghiệp khi thực hiện các điều kiện tín dụng sẽ là thước đo quan trọng để được xếp hạng tốt hơn và được cấp những chính sách ưu đãi, kể cả cho vay tín chấp”, đại diện OCB chia sẻ.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, trước thực trạng tỷ lệ dư nợ tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khiêm tốn, các chuyên gia cho rằng, nhóm doanh nghiệp này cần nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ. Chính phủ cần xem xét các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận vốn.