Thực hiện thành công đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ là một trong những động lực quan trọng khơi thông dòng vốn đầu tư vào Tiền Giang những năm tới.
Ngày 4/1/2021, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đi thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ nút giao cuối tuyến (huyện Cái Bè, Tiền Giang) về đến nút giao đầu tuyến (nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm kết nối vào cao tốc TP HCM - Trung Lương) và dự lễ “cắt băng thông tuyến kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận”.
Đột phá chiến lược
Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tiền Giang vì đã làm rất tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thay cho Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bên phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để năm 2021, khánh thành tuyến cao tốc mẫu mực này với tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51 km nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tổng vốn dự án được điều chỉnh lần cuối là 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 2.186 tỉ đồng.
Đây là dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, hình thành tuyến đường cao tốc TP HCM - Cần Thơ và tiếp tục triển khai đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch để giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Như vậy, cùng với dự án "Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2" qua tỉnh Tiền Giang với tổng vốn là 1.335 tỉ đồng đã được phê duyệt, dự kiến khởi công vào năm 2021 và hoàn thành trong năm 2023 đây sẽ là những dự án trọng điểm góp phần thực hiện thành công đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm tới, khơi thông dòng vốn đầu tư vào Tiền Giang.
Trên thực tế, với vị trí cửa ngõ kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Tiền Giang - địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng khẳng định là điểm đến có sức hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực.
Cụ thể, năm 2020, những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và của tỉnh, nhất là dịch COVID-19, hạn mặn ảnh hưởng lớn tới đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục ổn định, có những điểm sáng trong phát triển, nhất là về sản xuất công nghiệp, thương mại, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: Năm 2020, tỉnh có thêm 773 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,1% so thực hiện năm 2019, tổng vốn đăng ký là 6.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay. Tính đến cuối năm 2020, tỉnh có 6.295 doanh nghiệp đang hoạt động. Đáng chú ý, năm 2020 tỉnh thu hút được 37 dự án với tổng vốn đầu đăng ký đạt 17.779 tỷ đồng, tăng cả về số lượng dự án (tăng 11 dự án) và số vốn đăng ký (tăng 33% so với năm 2019).
Ngoài ra, có 11 dự án đăng ký tăng vốn (tăng 3 dự án), vốn đăng ký bổ sung 1.110 tỷ đồng (tăng 36% so năm 2019). Giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao hơn nhiều so cùng kỳ, đến ngày 25/12/2020, tỷ lệ giải ngân đạt 91%, trong đó vốn ngân sách địa phương gần đạt 100% kế hoạch năm.
Với quyết tâm cao, không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, các chỉ tiêu đề ra đều được tỉnh phấn đấu ở mức cao nhất, hoàn thành đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu.
Nhìn rộng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015- 2020 của Tiền Giang bình quân đạt 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Đây là những nền tảng quan trọng để Tiền Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,0-7,5%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5-93,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% vào năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi năm tạo việc làm cho 16 nghìn lao động…
Trước mắt, năm 2021, Tiền Giang huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,0 - 7,0%.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Tiền Giang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư. Đồng thời, tỉnh thực hiện có hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tái cấu trúc ngành công nghiệp, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ gắn với 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, khai thác hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính quyền số.
“Về lâu dài, với mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh đã đề ra 3 khâu đột phá để thực hiện trong nhiệm kỳ là: Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực, nhất là tập trung mời gọi các nhà máy chế biến trái cây (Tiền Giang là tỉnh có sản lượng trái cây lớn nhất quốc gia) nhằm giải quyết tình trạng tiêu thụ trái cây hiện nay, từ đó giúp người trồng cây ăn trái tiến tới đời sống khá giả, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững; Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo phục vụ yêu cầu sản xuất và dân sinh; Phát triển nhân nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính" - ông Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Tiền Giang và những dấu ấn phát triển sau một nhiệm kỳ
12:30, 12/12/2020
Tiền Giang có tân Chủ tịch UBND tỉnh
11:00, 11/12/2020
Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn ở Tiền Giang
15:25, 11/11/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre
22:59, 06/11/2020
Tiền Giang lan tỏa sức hút đầu tư
13:51, 14/10/2020