Dù đơn hàng đã dồi dào hơn nhưng doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn gặp khó về nguồn vốn, theo chuyên gia, cần những chính sách tín dụng linh hoạt để hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
>> Quý I/2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 10 tỷ USD
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế hết quý I/2024, tất cả các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều tăng trưởng tốt. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đi Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ và tăng 271 triệu USD về mặt trị giá; xuất khẩu đi EU tháng 3 giảm 4,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên lũy kế 3 tháng vẫn tăng 3,2%, đạt 855 triệu USD; xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch đạt 1,02 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu khởi sắc, khi kim ngạch đạt 0,82 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tăng 133 triệu USD về mặt trị giá.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới có xu hướng tăng lên. Đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp dệt may của nước ta đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số đơn vị đã có đơn hàng đến quý III/2024.
Mặc dù không còn quá lo lắng về đơn hàng, song doanh nghiệp dệt may trong nước lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn để phục vụ sản xuất. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Thực tế, vì kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 xấu nên xu thế cấp vốn tín dụng năm 2024 thấp hơn năm 2023. Riêng ngành sợi, cấp tín dụng năm 2023 cũng thấp hơn năm 2022, nhưng do năm 2023 tổng cầu thấp, nên hạn mức đó vẫn có thể duy trì, sản xuất bình thường.
Tuy nhiên, đến năm 2024, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sợi chỉ được duyệt hạn mức thấp hơn 20% so với năm 2023, nên khi thị trường ấm lên, các doanh nghiệp rơi vào thiếu nguồn vốn lưu động để nhập khẩu nguyên liệu, tổ chức sản xuất. Các doanh nghiệp này khi bị thu hẹp sản xuất, khó khăn sẽ chồng khó khăn. Nếu không có sự đồng hành hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể vào thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may, nhất là với doanh nghiệp sợi sẽ bỏ lỡ cơ hội phục hồi.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những chính sách linh hoạt để kịp thời có được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may.
>> Doanh nghiệp dệt may mong mỏi gói tín dụng xanh
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đề nghị, các cơ quan, ban, ngành cần có chính sách đặc thù để doanh nghiệp vượt qua năm 2024. Quan trọng nhất là chính sách tiếp cận vốn, làm sao để vẫn bảo đảm được nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp, đủ để họ tiếp nhận được các đơn hàng mới trong giai đoạn phục hồi.
Trong giai đoạn này, các ngân hàng thương mại, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cần có chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng ngồi làm việc chi tiết với doanh nghiệp, để thấy rằng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của từng đơn vị, doanh nghiệp, đơn hàng sau tốt hơn đơn hàng trước, số lượng đơn hàng năm nay nhiều hơn năm trước.
“Tính toán từ cơ hội phục hồi trên cơ sở có được của doanh nghiệp, hiệu quả của từng đơn hàng để quyết định tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp chứ không xét duyệt từ đầu năm trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 rất xấu mà cắt giảm 20%, 25% như hiện nay đang triển khai. Có doanh nghiệp bị ngân hàng cắt hạn mức tín dụng 16-17%, nhưng cũng có ngân hàng cắt khá sâu từ 30 đến 40% hạn mức, cách làm này sẽ rất khó cho doanh nghiệp phục hồi”, Chủ tịch Vinatex nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trương Văn Cẩm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, ngành dệt may Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường khác do họ có chi phí sản xuất thấp hơn (15%) với nhân công rẻ và còn được hỗ trợ về thuế, phí bởi dệt may được coi là ngành kinh tế mũi nhọn ở quốc gia đó.
“Vì vậy, về lâu dài, các doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành như ổn định kinh tế vĩ mô; lãi suất, tỷ giá ở mức phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu”, ông Cẩm kiến nghị.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, mặc dù đồng nội địa các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam đã ổn định, không còn bị phá giá nhiều như năm 2022, nhưng có thể một số quốc gia như Mexico, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền để tăng tính cạnh tranh.
Ngoài ra, dự báo lãi suất huy động đồng Việt Nam đang có xu hướng tăng trở lại khả năng sẽ duy trì ở mức 6,5 – 6,8%.
“Với những nhận định về xu hướng tài chính- tiền tệ cuối năm, các doanh nghiệp dệt may được khuyến cáo, cần tính toán phương án tài chính, nguồn vốn, tiền tệ ngân hàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh nửa cuối năm 2024. Trong đó, với tỷ giá giữa USD/VNĐ như hiện nay, doanh nghiệp cần cân nhắc phương án quy đổi phù hợp với điều kiện thực tế”, TS. Trương Văn Phước chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp dệt may mong mỏi gói tín dụng xanh
14:13, 29/05/2024
Yếu tố nào tác động đến triển vọng ngành dệt may?
11:40, 18/05/2024
Dư âm khó khăn vẫn tác động doanh nghiệp dệt may
03:00, 23/04/2024
Quý I/2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 10 tỷ USD
00:30, 11/04/2024
Doanh nghiệp dệt may xây dựng nhiều giải pháp để giành lợi thế cạnh tranh
04:30, 28/01/2024