Chuyển đổi năng lượng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức.
>>Vốn đâu để tăng tốc chuyển dịch năng lượng?
Những năm vừa qua, chúng ta đã nghe nhiều về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, kể từ tháng 11 năm ngoái, biến đổi khí hậu đã xuất hiện ngày càng rõ nét ơn trong cuộc sống và hoạt động kinh doanh của chúng ta thông qua những chính sách và quy định. Vậy, biến đổi khí hậu có ý nghĩa thế nào với Việt Nam và tại sao?
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm năm quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Rõ ràng, Việt Nam và Bangladesh là hai nước có mức độ ngập lụt cao nhất, bao gồm cả những trận lũ ven sông, ven biển và những cơn lũ quét qua do mưa lớn. Tình trạng ngập lụt cho thấy rủi ro rất lớn về mặt kinh tế cho đất nước.
Vì biến đổi khí hậu đang nhanh chóng trở nên dữ dội và khó lường hơn, Việt Nam cần bắt đầu tiến hành ngay các chiến lược hiệu quả nhằm thích ứng và giảm thiểu hậu quả của tình trạng này. Chúng ta cần hành động CÙNG NHAU và NGAY BÂY GIỜ.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với kinh tế Việt Nam và phúc lợi quốc gia đã rất rõ ràng. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu sẽ giảm thu nhập quốc gia khoảng 3-3,5% vào năm 2050. Việt Nam đang làm gì để đối phó với tình trạng này?
Ở Hội nghị COP26, Thủ tướng đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ cũng đã đồng ý loại bỏ điện than vào giai đoạn 2040 hoặc sớm hơn nếu có thể. Trong kế hoạch Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 8 giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (hay còn gọi là Quy hoạch điện 8), tổng công suất phát điện của Việt Nam năm 2045 sẽ là 333GW, trong đó 42% sẽ là điện gió và điện năng lượng mặt trời. Tổng mức đầu tư cần có là 127,5 tỷ USD.
>>6 xu hướng toàn cầu định hình tương lai Việt Nam
Từ khi đưa ra cam kết, Chính phủ đã đưa ra kế hoạch thúc đẩy các chương trình xanh của Việt Nam, với trọng tâm đặc biệt là mảng năng lượng tái tạo. Chuyển đổi năng lượng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức. Do đó, HSBC đề xuất hai ý kiến có thể giúp khơi thông nguồn vốn quốc tế dành cho năng lượng tái tạo.
Thứ nhất, rủi ro cắt giảm sản lượng điện theo Hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện nay gây khó khăn cho các tổ chức tài chính quốc tế trong việc đưa ra những giải pháp tài trợ dự án hiệu quả. Rủi ro EVN có thể không thu mua nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo gây ra những bất ổn đối với dòng tiền của các dự án. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách kết hợp các giải pháp, bao gồm nhưng không giới hạn ở cơ chế “nhận điện hoặc trả tiền” (take or pay) được đưa vào trong PPA đồng thời có thời gian gián đoạn tối đa trong giai đoạn mua điện.
Lấy Malaysia làm ví dụ, Tenega, công ty điện lực Malaysia có vai trò tương tự như EVN của Việt Nam, có thể có thời gian ngừng hoạt động lưới điện tối đa là 168 giờ mỗi năm, vượt quá ngưỡng đó, họ sẽ vẫn phải trả tiền cho các nhà máy điện. Quy định này sẽ thiết lập biện pháp bảo vệ cơ bản cho các nhà phát triển điện và những tổ chức cho vay xét từ quan điểm sản lượng/doanh thu.
Thứ hai, trái phiếu xanh Chính phủ sẽ thiết lập một tiêu chuẩn cho khối tư nhân khi tiếp cận với các thị trường vốn quốc tế, cụ thể là về chuyển đổi năng lượng. Trái phiếu ESG đóng góp 19,6% vào tổng phát hành Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu của tổ chức đa quốc gia và Trái phiếu được chính phủ bảo lãnh (SSA) trong giai đoạn 2021 đến hết quý 1/2022.
Chuyển đổi năng lượng là yếu tố rất quan trọng trên hành trình tiến đến cân bằng phát thải, nhưng đó KHÔNG PHẢI là tất cả. Có những lĩnh vực khác mà chúng ta cần tập trung nhằm khuyến khích nhiều tín dụng xanh hơn. Ở đây, HSBC khuyến nghị ba lĩnh vực trọng tâm:
Lĩnh vực 1: Cần xem xét lộ trình chuyển đổi của các lĩnh vực có phát thải carbon cao, như giao thông, nông nghiệp, sản xuất, xây dựng,…
Lĩnh vực 2: Kinh tế tuần hoàn là chủ đề quan trọng nhưng nhiều doanh nghiệp đang đối mặt các thách thức khi triển khai. Điều này là do thiếu vắng những hướng dẫn và quy định rõ ràng trong việc kiểm soát lượng khí thải cũng như định nghĩa thế nào là “xanh” trong từng lĩnh vực cụ thể.
Lĩnh vực 3: Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cũng là một mô hình thú vị, cho phép các công ty có thể thuê một đơn vị thứ ba đứng ra đầu tư vào nguồn điện và các thiết bị/cơ sở vật chất về điện để cải thiện hiệu quả sử dụng điện của các tòa nhà hay văn phòng của họ. Dù nhu cầu đối với dịch vụ này cũng đáng kể, mô hình này cũng đối mặt với những thử thách như thiếu các hướng dẫn về quy định và thông số kỹ thuật để xây dựng các tình huống kinh doanh và quy mô phù hợp với yêu cầu của ngân hàng.
Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là một bước tiến lịch sử trong chiến lược quốc gia chống biến đổi khí hậu. Những cá nhân, tổ chức tham gia vào nền kinh tế đều có chung mục tiêu. Những tổ chức tài chính sẽ chung tay hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu. Những gì chúng ta cần làm bây giờ là tập trung vào việc triển khai và xây dựng những mối quan hệ đối tác hiệu quả cho chiến lược này.
Ngày mai là những gì chúng ta xây dựng từ Hôm nay. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một Việt Nam xanh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thu hút nguồn lực quốc tế trong mục tiêu phát triển xanh và bền vững
18:00, 16/08/2022
Phát triển xanh: Giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19
14:45, 10/05/2022
HSBC: Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm tới rủi ro lạm phát liên quan đến nhiên liệu
02:00, 10/03/2022
HSBC: Cần xem xét nguy cơ làn sóng Covid-19 mới đến phục hồi kinh tế
03:00, 11/05/2021
HSBC: Hai thách thức của Việt Nam cần lưu ý thời gian tới
04:00, 01/04/2021