Nhờ sự trợ giúp từ VCIC, doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả nguồn lực tài trợ, đã tạo được doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng, phục vụ gần 160 nghìn lượt khách với gần 2,5 lần cam kết đề ra.
Năm 2012, trong một lần đi xe về quê, Nguyễn Thành Nam - lúc ấy đang làm việc trong ngành tài chính - nảy ra câu hỏi: Tại sao có nhiều xe ô tô trống chỗ mà lại có người phải chen chúc mệt mỏi ở các bến xe để được về quê?
Anh liền nghĩ đến ý tưởng kết nối giữa người có chỗ trống người cần đi xe, nhằm tiết kiệm chi phí đi lại, đồng thời giảm lưu lượng tham gia giao thông, giảm tắc đường, giảm áp lực lên hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn đang trong tình trạng quá tải báo động hiện nay như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
"Khởi đầu là một website miễn phí cho cho người dùng chia sẻ chỗ trống trên xe cá nhân thôi, chứ không có mục đích kinh doanh vào thời điểm đấy," Nguyễn Thành Nam kể lại. Lúc đó là Đi chung chỉ là một dự án mà 5 founders dành thời gian cuối tuần để chăm chút.
Sau đó vì muốn chuyên tâm vào việc kinh doanh nên năm 2013 Nguyễn Thành Nam nghỉ việc để thành lập công ty.
Nền tảng công nghệ trực tuyến Đi Chung bao gồm web, ứng dụng di động, mạng xã hội và map định vị có thể giúp người dùng tự kết nối với chính những người có cùng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá trên cùng một tuyến đường để cùng chia sẻ dịch vụ và chi phí.
Ví dụ nhiều người thay vì di chuyển nhiều xe tại nhiều thời điểm khác nhau thì có thể cùng di chuyển trên cùng một xe cùng tuyến đường. Ngươc lại, Đi Chung đóng vai trò trung gian hỗ trợ kết nối và đảm bảo tính an toàn cho người dùng.
Tuy nhiên, 1 năm sau đó là giai đoạn áp lực nhất của Đi chung. Startup này phải chật vật tìm cách apply ý tưởng vào thị trường trong nước, công ty cũng chưa có nguồn thu.
Nguyễn Thành Nam cho hay lúc ấy công ty anh không biết nhắm vào đâu vì thị trường đi chung xe quá rộng, và "không biết matching (kết nối người có chỗ trống và người cần đi xe) kiểu gì," chưa biết điều chỉnh sản phẩm như thế nào để được người dùng tiếp nhận.
Theo Nguyễn Thành Nam, có 3 rào cản chính khi khiến ý tưởng đi chung xe thời điểm đó khó vận hành tại Việt Nam: đó là người Việt còn e ngại đi chung xe với người lạ. Họ ít chia sẻ không gian riêng tư của mình. Trong khi giải pháp đi chung xe như thế cũng chưa thành công ở các nước Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ hai, bài toán về mặt sẵn có, đây cũng là trở ngại lớn nhất theo nhận định của CEO Đi chung. “Vấn đề là người ta vào hệ thống của mình, họ có tìm được người đi chung hay không. Không tìm thấy thì người ta không quay lại. Làm "đi chung" mất rất nhiều thời gian để tạo sự sẵn có của dịch vụ.", Thành Nam nhớ lại. "Làm sao để khách hàng book (đặt) lúc nào cũng có – không dễ để làm được điều đấy. Cần có hạ tầng về công nghệ và kết hợp với nhiều bên. Đồng thời hệ thống phải đủ lớn thì mới duy trì được”, Thành Nam trăn trở.
Thứ ba, là sự bất đối xứng về thái độ giữa bên có chỗ trống và bên đi nhờ xe. "Người cho đi nhờ nghĩ là đang giúp người nào đấy chứ không phải đang làm việc, thì không tương xứng về vai trò và không thành dịch vụ được," Nguyễn Thành Nam cho biết. Những rào cản đó khiến 1 năm đầu của Đi chung như "mò trong tăm tối”.
Theo người sáng lập Đi chung có thể giúp mỗi người dùng tiết kiệm tới 40% chi phí mỗi lần di chuyển. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn.
Cũng giống như các doanh nghiệp khởi nghiệp khác, Đi chung cũng hạn chế kinh phí vận hành. Doanh nghiệp cũng thiếu quy chuẩn, luật quy định về hình thức vận tải đi chung, rào cản tâm lý của người dùng…
Trước thực trạng này, cộng với tiềm năng mà doanh nghiệp có thể khai thác, Trung tâm đổi mới sáng tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), Bộ KH & CN đã hỗ trợ cho doanh nghiệp công tác tư vấn, đào tạo, tập huấn về phát triển kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… VCIC đã hỗ trợ doanh nghiệp các hoạt động truyền thông; hỗ trợ tài chính.
Sau quá trình nhận được sự trợ giúp từ phía VCIC, doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả nguồn lực tài trợ, đạt vượt mức cam kết đề ra cả về quy mô lẫn chất lượng. Cụ thể, doanh nghiệp đã tạo được doanh thu hơn 3,1 tỷ đồng, phục vụ gần 160 nghìn lượt khách với gần 2,5 lần cam kết đề ra.
Ngoài ra, ứng dụng Đi chung cũng giúp tiết kiệm 555.000kg CO2 khí thải ra môi trường; tiết kiệm 239.412 lít xăng tương đương gần 4,8 tỷ VNĐ cho khách hàng. Không chỉ dừng lại ở mức dự án, Đi Chung đang tiếp tục phát triển bền vững, tăng trưởng 300%/năm, mở rộng quy mô ra trên 20 sân bay, 40 tỉnh thành trên cả nước.