Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành iRobot, công ty nổi tiếng với robot hút bụi Roomba, cũng từ chức ngay lập tức.
>>Làn sóng sa thải tiếp tục diễn ra tại các công ty công nghệ toàn cầu
Amazon hôm qua thông báo họ sẽ hủy bỏ kế hoạch mua lại công ty sản xuất máy hút bụi iRobot, chấm dứt một thương vụ lằng nhằng như một bộ phim truyền hình dài tập. Sự lằng nhằng này không nằm ở hai công ty trong thương vụ mà đến từ các chính quyền với lo ngại Amazon sẽ trở nên độc quyền.
Amazon bắt đầu xúc tiến thâu tóm iRobot vào năm 2022 với giá khoảng 1,7 tỷ USD. Nhưng Ủy ban Châu Âu đã phát động một cuộc điều tra vào tháng 7 năm ngoái. Họ nghi ngại rằng nếu Amazon thâu tóm được iRobot có thể sẽ dẫn đến việc Amazon cản trở các đối thủ iRobot cạnh tranh trên trang thương mại điện tử của Amazon. Ủy ban Châu Âu lập luận rằng Amazon có thể xóa hoặc giảm mức độ nổi bật của sản phẩm đối thủ trong kết quả tìm kiếm hoặc ở nơi khác. Điều này rất nghiêm trọng vì Amazon là một ông lớn có sức ảnh hưởng bao trùm trên thị trường thương mại điện tử.
Gần đây, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Liên minh châu Âu sẽ không đưa ra phê duyệt thương vụ này. Cuối cùng, cả hai công ty phải chấp nhận và thông báo chính thức rằng “không có cách để thương vụ này được luật pháp thông qua”.
Ngay khi thông báo chấm dứt thương vụ, iRobot, nổi tiếng với sản phẩm chủ lực là robot hút bụi Roomba, cũng tuyên bố sẽ sa thải 31% nhân viên, khoảng 350 người, đồng thời chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Colin Angle cũng sẽ từ chức ngay lập tức.
Cổ phiếu của iRobot đã giảm 10% trong phiên giao dịch buổi sáng sau tin tức này.
David Zapolsky, phó chủ tịch cấp cao kiêm tổng cố vấn tại Amazon, cho biết trong một thông cáo: “Chúng tôi thất vọng vì việc mua lại iRobot của Amazon không thể tiến hành”.
iRobot cho biết họ sẽ tập trung vào việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận, giảm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời tạm dừng mọi công việc đối với các sản phẩm “không phải sản phẩm chăm sóc sàn”, bao gồm máy lọc không khí và máy cắt cỏ robot.
Chủ tịch iRobot, ông Angle cho biết trong một thông cáo: “Việc chấm dứt thỏa thuận với Amazon là điều đáng thất vọng, nhưng iRobot hiện hướng tới tương lai với trọng tâm và cam kết tiếp tục chế tạo những robot chu đáo và những cải tiến về nhà thông minh để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đã chuyển sang giám sát chặt chẽ các công ty công nghệ lớn, với lý do có thể có tác động phản cạnh tranh. Amazon cũng là một trong những đối tượng trong cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang về các khoản đầu tư và quan hệ đối tác giữa Big Tech và các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo như Anthropic và OpenAI.
Việc chặn thương vụ Amazon mua iRobot không phải là hiếm. Tại châu Âu, cả Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh và Ủy ban châu Âu của EU đều đã trì hoãn hoặc tạm dừng một số thỏa thuận. Nổi bật có thể kể ra các thương vụ Meta mua lại Giphy, Adobe chấm dứt việc mua lại Figma và cả việc Microsoft đầu tư vào OpenAI cũng bị điều tra, cũng như việc Microsoft mua Activision Blizzard cũng tốn rất nhiều công sức.
Có thể bạn quan tâm