Không dễ biến nợ xấu thành vốn góp

Hà Phương 04/03/2018 05:30

Việc chuyển đổi nợ xấu thành vốn góp đều có lợi cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc định giá nợ xấu khi chuyển thành vốn góp lại đang là vấn đề gây tranh cãi.

Dự thảo Thông tư mới đây của NHNN cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được hoán đổi nợ xấu thành vốn góp. Tuy nhiên, các TCTD chỉ được hoán đổi nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro.

p/VietinBank đã chuyển số nợ vay 5.000 tỷ đồng của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên của doanh nghiệp này. Ảnh: S.T

VietinBank đã chuyển số nợ vay 5.000 tỷ đồng của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên của doanh nghiệp này. Ảnh: S.T

Hai bên cùng có lợi

Theo ông Võ Trí Thành-Chuyên gia kinh tế, trên thế giới, việc cơ cấu lại nợ dựa vào cơ chế thị trường, chứ không có sự bắt ép hay can thiệp của Nhà nước. Trường hợp các bên không thống nhất được cách giải quyết nợ thì doanh nghiệp sẽ bị cho phá sản hoặc thanh lý.

Việc chuyển đổi nợ xấu này dựa trên nguyên tắc các doanh nghiệp có thể phục hồi trở lại nếu có gánh nặng nợ nần thấp hơn. Một doanh nghiệp khi lâm vào nợ nần khó trả sẽ thương lượng với chủ nợ cắt giảm một phần nợ để tiếp tục hoạt động và có lãi trở lại.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế- NHNN, Dự thảo mới đây của NHNN cho phép các TCTD nắm giữ cổ phần trong doanh nghiệp để đổi lấy việc cắt giảm nợ thì ngân hàng sẽ cùng được hưởng lợi. Nếu doanh nghiệp phục hồi và có lãi, thì giá trị cổ phần và cổ tức thuộc về TCTD thậm chí còn lớn hơn giá trị của khoản nợ ban đầu mà ngân hàng đồng ý cắt giảm hoặc xóa cho doanh nghiệp.

Ngược lại, nếu ngân hàng không được phép hoán đổi nợ thành cổ phần thì tất nhiên nợ xấu vẫn là nợ xấu và không xử lý được. Còn doanh nghiệp vẫn ngắc ngoải, không có cơ hội gượng dậy. Như vậy, cả hai bên đều mất mát, thiệt hại.

Nói cách khác, chuyển đổi nợ thành cổ phần vẫn tốt hơn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung so với cách cho vay đảo nợ để nuôi nợ xấu hay đưa món nợ ra khỏi bảng cân đối kế toán.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, để hoán đổi nợ thành cổ phần có hiệu quả, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi nếu được “hà hơi tiếp sức” bằng nguồn vốn mới, tiền thật, chứ không phải là hoán đổi nợ với các DNNN “xác sống”, bên bờ vực phá sản.

Giá nào khi hoán đổi?

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, so với thế giới, nợ xấu của Việt Nam có đặc điểm là đa số được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Khi mua nợ xấu của các TCTD, do không thể thống nhất trong việc định giá tài sản thế chấp, nên VAMC mua nợ xấu với giá trị trên sổ sách. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp, tài sản thế chấp được định giá vượt mức giá trị thật nên TCTD cho vay không phải 50% giá trị tài sản thế chấp mà lên tới 100%, thậm chí 200%.

Khi TCTD chuyển đổi số nợ xấu đó thành vốn góp của doanh nghiệp, thì việc định giá giá trị số nợ xấu ấy và tài sản thế chấp đó được thực hiện thế nào? Trong khi đó, bản thân quy định nợ xấu nhóm 5 của NHNN đã chứng minh, giá trị thị trường của nó bằng 0.

Theo phản ánh của các TCTD, hoán đổi nợ xấu thành cổ phần doanh nghiệp nghĩa là, TCTD buộc phải chọn đầu tư vào những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, phải cầm cố tài sản. Do đó, việc định giá số nợ xấu đó cũng vô cùng khó khăn.

Thời gian qua, một số trường hợp đã chuyển đổi nợ xấu thành vốn góp như VietinBank được chuyển số nợ vay 5.000 tỷ đồng của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên của doanh nghiệp này khi tiến hành cổ phần hóa. Chủ trương này áp dụng với Cty cảng Hải Phòng và Cty cảng Đà Nẵng,... Tiếp đó, ACB cũng đã phải mua lại 12,6 triệu cổ phần của CTCP vận tải biển VN (HOSE: VOS)- đơn vị thành viên của Vinalines.

Ngoài ra, được sự đồng ý của Chính phủ, SHB chính thức “kết hôn” với Bianfishco và trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần tương đương 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng) và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này. Theo lãnh đạo SHB, Bianfishco hiện đã ổn định hoạt động và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, những trường hợp này mới chỉ là thí điểm chưa được nhân rộng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những doanh nghiệp đã tái cơ cấu, ăn nên làm ra, có sẵn sàng đổi cổ phần để lấy những tài sản cầm cố mà chính họ đã từ chối không nhận về hay không? Mặt khác, cổ phần của doanh nghiệp được định giá bao nhiêu khi tính cả số nợ cũ? Rõ ràng vấn đề này cần được làm rõ trong Dự thảo của NHNN, có như vậy việc chuyển đổi nợ xấu thành cổ phần mới có thể được áp dụng và triển khai rộng rãi trong thời gian tới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không dễ biến nợ xấu thành vốn góp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO