Họ là những người tiên phong ứng dụng công nghệ và thúc đẩy phát dữ liệu, khai thác Big data, mang đến những hiệu quả đột phá cho lĩnh vực thanh toán số và tài chính số của Việt Nam.
>>Kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng hơn nữa trong năm 2024
Hai “Quý ông Fintech”: Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập, TGĐ CTCP Wigroup, tập đoàn dữ liệu tài chính số 1 Việt Nam hiện tại; và Christian Nguyễn - Nhà sáng lập, TGĐ đơn vị quản lý nhận dạng số hàng đầu Wee Digital, trò chuyện cùng Doanh Nhân đầu Xuân.
- Chưa bao giờ chuyển đổi số, dữ liệu số trở nên quan trọng như hôm nay, đặc biệt với sự bùng nổ của Chat GPT năm qua. Chúng ta có thể nhìn nhận gì về không gian số hiện tại của Việt Nam?
Ông Trần Ngọc Báu: Trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, chuyển đổi số là quá trình tất yếu, dù muốn hay không thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải sẵn sàng cho xu thế này. Tổ chức nào càng chậm chuyển đổi số thì rào cản cho sự phát triển trong tương lai sẽ càng lớn. Bởi chuyển đổi số là một hành trình nhiều năm và đòi hỏi sự kiên trì, thậm chí nếu văn hoá tổ chức là rào cản cho chuyển đổi số thì phải thay đổi cả văn hoá tổ chức để thích nghi. Hãy tưởng tượng lại cái ngày, khi mà bạn bè của chúng ta đã sang hết "Facebook" nhưng ta thì vẫn kiên trì với "Yahoo", kết quả khó tránh là sẽ chỉ còn ta với ta mà thôi.
Nói vậy để thấy tính cấp thiết của chuyển đổi số trong việc cạnh tranh và ra quyết định của mỗi tổ chức, tuy nhiên quá trình chuyển đổi số của Việt Nam tiến triển vẫn còn chậm so với tiềm năng, đặc biệt là giai đoạn khai thác đồng bộ những kết quả từ chuyển đổi số để phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả thực trong kinh doanh vẫn tương đối mờ nhạt.
Hiện nay đa phần các kết quả nghiên cứu đều cho rằng khó khăn của chuyển đổi số ở Việt Nam là do yếu tố công nghệ và tiền. Tôi lại không đồng quan điểm với kết quả nguyên cứu khảo sát này và chính bản thân tôi cũng thấy rất nhiều doanh nghiệp lớn không tiếc tiền chi cho công nghệ và đội ngũ tư vấn hàng đầu nhưng vẫn thất bại. Cái quan trọng nhất trong chuyển đổi số theo tôi chính là con người, "bản chất của người Việt" trong chúng ta vừa là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu trong chuyển đổi số.
Ông Christian Nguyễn: Dưới góc nhìn của người dân thì có lẽ họ cảm thấy chuyển đổi số không có gì thay đổi quá lớn. Nhưng với các ngân hàng, doanh nghiệp, đó là một sự thay đổi rất lớn lao, và các đơn vị này đã bỏ rất nhiều công sức vào đó. Chuyển đổi số ở Việt Nam có thể nói giống như một “tảng băng trôi”, mọi người chỉ thấy phần trên của nó nhỏ, nhưng phần chìm dưới mặt nước là cả một khối núi khổng lồ.
80-90% thay đổi nằm ở phần dưới, nằm trong nội bộ các tổ chức, với tiến trình chuyển đổi số dài dằng dặc, lên kịch bản, thử nghiệm rồi sai, rồi điều chỉnh, mở rộng hành lang pháp lý, rồi lại điều chỉnh, cùng sự tham gia của nhiều “diễn viên” trong đó như doanh nghiệp, ngân hàng, các công ty công nghệ, quản lý nhà nước, cùng bao loại công nghệ nữa. Như một cuốn phim, để khán giả ngồi rạp thưởng thức trong 90 phút thì phía sau hậu trường, đoàn làm phim hàng trăm người phải lao động ròng rã hàng tháng với hàng trăm tấn thiết bị.
Hãy nhớ lại 5 năm trước, khi ta muốn mua một món hàng online nào đó, ta phải lên mạng tìm kiếm ở đâu bán hàng đó, có số điện thoại không, phương thức mua bán thế nào. Nhưng bây giờ, chỉ cần click trên điện thoại là giữa đêm có người mang bán đồ ăn đến tận nhà mình. Và nhờ vậy, một người bán hàng ăn rong có thể tham gia vào kinh tế số.
- Ông Trần Ngọc Báu có thể chia sẻ cụ thể hơn, tiếp theo cái ý mà ông vừa nêu về “mạnh và yếu” của người Việt trong chuyển đổi số, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Báu: Người Việt có tính ham học hỏi và khả năng mày mò nghiên cứu nhanh nhưng lại yếu trong khâu tổ chức, minh bạch và góc nhìn tổng thể, đây thực sự là rào cản lớn khi chuyển đổi số. Sự long lanh trong những câu chuyện về chuyển đổi số làm chúng ta nhanh chóng bị hấp dẫn và bắt tay vào thử nghiệm. Tuy nhiên chuyển đổi số lại là hành trình lâu dài và vất vả, mang trong mình tư duy thử nghiệm là đã cầm phần nhiều thất bại. Người làm chuyển đổi số phải thực sự thấu hiểu, tin tưởng và đo đếm được giá trị mà chuyển đổi số mang lại cho chính công ty của mình trước khi bắt tay vào làm, bởi chỉ như vậy cả đội ngũ mới kiên trì trên hành trình này được. Công nghệ hay tiền chỉ là bổ trợ đẩy nhanh hơn mà thôi, nó không phải là nguồn lực chính yếu.
Nhìn chung chuyển đổi số ở Việt Nam hiện tại vẫn đang ở những bước đầu, tốc độ vẫn còn chậm vì sự đo đêm giá trị mang lại vẫn còn mơ hồ. Nếu chuyển đổi số không đi đến đích mà doanh nghiệp cần là "mang về nhiều lợi nhuận hơn hoặc nhiều hạnh phúc hơn cho đội ngũ" thì bản thân doanh nghiệp sẽ không đủ kiền trì với chuyển đổi số.
- Trong lĩnh vực mà ứng dụng số hóa mà các ông triển khai, thì thách thức - cơ hội cụ thể ra sao?
Ông Christian Nguyễn: Wee Digital chỉ là một “diễn viên” trong cuốn phim chung, trong bức tranh toàn cảnh, trong luồng công việc rất dài của chuyển đổi số ở Việt Nam, chúng tôi tập trung vào ngành tài chính ngân hàng. Trong luồng công việc phải làm để đáp ứng nhu cầu kinh tế vĩ mô, các ngân hàng cần các đối tác để cùng giải quyết từng khâu. Wee Digital là đối tác của họ trong khâu xử lý dữ liệu, nhân dạng số. Chúng tôi phát triển lớn mạnh là nhờ các ngân hàng đối tác trao cơ hội, nhờ kinh tế số, nhờ sự cần thiết của chuyển đổi số, và cũng nhờ sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung.
Động lực thật sự để cả thị trường tham gia vào chuyển đổi số không chỉ là nâng cao trải nghiệm cho người dân đâu, mà là để giảm chi phí hoạt động. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, ngân hàng cắt giảm chi phí được rất nhiều nhờ chuyển đổi số. Năm 2023, do kinh tế vĩ mô chậm lại, có thể sự đầu tư chuyển đổi số chậm lại, nhưng khi đà hồi phục trở lại, quá trình chuyển đổi số sẽ tiến rất mạnh.
>>>Christian Nguyễn - Giám đốc Wee Digital: Mỉm cười để thanh toán
Ông Trần Ngọc Báu: Nếu xét về cơ hội thì tôi nghĩ thị trường chuyển đổi số và dữ liệu trong lĩnh vực tài chính còn rất nhiều tiềm năng và không gian phát triển, đặc biệt mảng tín dụng và đầu tư tài chính. Thực trạng hiện nay các sản phẩm thuần tài chính tại Việt Nam còn khá sơ khai, các sản phẩm mở rộng và các sản phẩm có yếu tố fintech cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển.
Về phía khó khăn, đầu tiên phải kể đến khó khăn về nền tảng kiến thức chuyên môn. Bản thân chúng tôi khi cung cấp dữ liệu cho nhiều tổ chức lớn cũng phải vừa đào tạo kiến thức, vừa chuyển giao dữ liệu. Bởi đội ngũ phát triển dự án không biết mình cần lấy dữ liệu nào và phục vụ cho việc giải quyết bài toán nào. Ví dụ muốn dự báo tăng trưởng doanh số bán lẻ thì phải tập hợp những dữ liệu nào? Câu hỏi này chắc chắn sẽ gây khó hầu hết các đội phát triển.
Khó khăn tiếp theo là tầm quan trọng của dữ liệu trong việc ra quyết định đầu tư và kinh doanh chưa được các tổ chức trong nước đánh giá cao nên ngân sách dành cho việc tập hợp dữ liệu gần như không có. Bây giờ khi làn sóng "Data Driven" ùa về, tầm quan trọng của dữ liệu được đánh giá đung hơn thì chúng ta mới bắt đầu chuyển đổi số và khai thác dữ liệu thì không tránh khỏi dữ liệu vừa thiếu về quy mô, vừa không đảm bảo độ chính xác và quy chuẩn.
Khó khăn thách thức cuối cùng cần đối mặt là bảo mật dữ liệu số. Quá trình số hoá sẽ kéo theo việc dữ liệu sẽ có tính tập trung cao hơn và mức độ định danh cũng sẽ cao hơn, hậu quả để lại khi gặp vấn đề bảo mật vì thế cũng sẽ lớn hơn. Thách thức này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực tài chính và con người. Dữ liệu càng lớn thì rủi ro và ngân sách dành cho việc này càng cao.
- Theo các ông, để phát triển kinh tế số và khai thác dữ liệu trở thành đòn bẩy đột phá, cần những chính sách gì?
Ông Christan Nguyễn: Wee Digital chọn hướng đi xử lý phần “digital trust”, sự tin cậy trong môi trường số hóa giữa các đơn vị với nhau. Trong bất cứ ngành nào, mua bán hay cho vay, điều quan trọng nhất là tin tưởng lẫn nhau. Không tin cậy nhau, không làm việc được, chúng tôi số hóa sự tin cậy đó bằng nhân dạng số, giọng nói số, chữ ký số, hóa đơn số. Nhờ sự tin cậy số, ngân hàng phải biết khách hàng của mình là ai để cho vay tiền. Nhờ tin cậy số, một người dân sống tại nơi hẻo lánh có thể ngồi ở nhà mình để mở tài khoản ngân hàng.
Vừa qua, nhiều start-up công nghệ buộc phải rời khỏi thị trường có lẽ là vì sản phẩm của họ chưa thật sự phù hợp và thiết yếu trong luồng chuyển đổi số chung của nền kinh tế. Hy vọng họ sẽ trở lại với những sản phẩm phù hợp. Câu chuyện thúc đẩy số hóa 2024 phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế vĩ mô. Chúng tôi làm dịch vụ cho các ngân hàng, và họ làm dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, chúng ta cộng sinh với nhau chặt chẽ trong một nền kinh tế.
Ông Trần Ngọc Báu: Đứng trên vai trò đơn vị cung cấp dữ liệu và tư vấn chuyển đổi số, tôi mong muốn cơ quan quản lý tập trung trợ giúp hai trụ cột chính: Trụ cột đầu tiên là có những chính sách hỗ trợ thuế, phí, ưu đãi,... dành cho các đơn vị làm về giáo dục và phát triển dữ liệu kinh tế số. Theo tôi muốn đẩy nhanh bất cứ quá trình nào thì cần tập trung nguồn lực cho việc phổ cập hoá kiến thức, song song với đó hỗ trợ mạnh cho các đơn vị có định hướng Nguyên cứu và Phát triển (R&D). Khi cung cầu cùng phát triển thì ắt thị trường sẽ tự phát triển.
Trụ cột thứ hai là vai trò dẫn dắt tiên phong. Người dân và doanh nghiệp sẽ cảm thấy hứng khởi và đẩy nhanh chuyển đổi số nếu họ cảm nhận thấy "dòng chảy chuyển đổi số" cũng đang chảy rất mạnh ở khối quản lý nhà nước. Chúng ta không thể "hô hào" kinh tế số nếu những dịch vụ công cơ bản nhất vẫn còn vô cùng rườm rà hồ sơ giấy tờ.
Về phía chúng tôi, có thể nói hiện nay WiGroup là đơn vị sở hữu quy mô dữ liệu kinh tế tài chính đứng đầu Việt Nam nhưng chúng tôi cho rằng phía trước vẫn còn một hành trình rất dài để phải nỗ lực, cố gắng.
Trân trọng cảm ơn các Ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số - tăng lợi thế cạnh tranh ngành khách sạn
15:20, 23/01/2024
Lợi thế khi tư duy đúng trong chuyển đổi số quản trị nhân sự
11:35, 18/12/2023
Ai sẽ thúc đẩy chuyển đổi số cho các ngành hiệu quả?
13:00, 11/12/2023
Chuyển đổi số, nhiệm vụ chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương
17:00, 26/11/2023