Không chỉ bảo vệ các nhà đầu tư chân chính, theo các chuyên gia, quan điểm “không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế” còn góp phần ổn định tâm lý thị trường…
>> Không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế: Bảo vệ các nhà đầu tư… chân chính
Việc xử lý nghiêm một số tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó nổi cộm nhất chính là hành vi thao túng thị trường chứng khoán để trục lợi bất chính thời gian qua cho thấy, quyết tâm lành mạnh hóa thị trường của các cơ quan quản lý. Quét nhà đầu tư “bẩn” chính là làm “sạch” thị trường, không chỉ giúp thị trường chứng khoán hoạt động đúng khuôn khổ luật pháp, lành mạnh, mà còn giúp nhà đầu tư có cơ hội như nhau chứ không phải nhờ vào những thông tin nội gián hoặc cấu kết với nhau để thao túng thị trường.
Theo các chuyên gia, làm “sạch” thị trường chứng khoán là điều cần thiết, sau khi thị trường được làm “sạch” và lành mạnh hóa thì sức khỏe thị trường cũng sẽ tốt lên. Việc nhà đầu tư lo lắng dẫn đến “bán tháo” cổ phiếu trong các phiên giảm điểm mạnh vừa qua xuất phát từ vấn đề tâm lý.
Thực tế, trong tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với những thông tin bất lợi liên quan đến việc bắt các lãnh đạo của những Tập đoàn lớn, do liên quan hành vi thao túng thị trường chứng khoán và che dấu thông tin chứng khoán.
Đáng chú ý, việc hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của các Công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã tạo ra cú sốc khá lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu phải thanh tra hoạt động phát hành, rà soát chính sách và ban hành quy định mới liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, để ngăn hạn dòng tiền chảy vào các lĩnh vực có tính chất đầu cơ như chứng khoán và bất động sản, cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến cho dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường chứng khoán và chỉ số VN Index đã liên tục giảm điểm.
>> Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa”
Theo thống kê, tính từ đỉnh gần nhất ngày 04/4/2022 đến ngày 20/4/2022, chỉ số VN Index đã mất 144 điểm (-9,4%), xuống chỉ còn 1.384,72 điểm; trong đó VN Index chỉ có 1 phiên hồi phục duy nhất ngày 13/4/2022, còn lại đều là những phiên giảm điểm mạnh.
Từ đó có thể thấy, tâm lý hoang mang đã và đang bao trùm thị trường khi áp lực “bán tháo” luôn xuất hiện.
Trước hiện trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, những trường hợp tiêu cực vừa qua không phải là đại diện của thị trường chứng khoán, cũng như là đại diện các tổ chức hay nhà tư vấn phát hành, mà đó là những trường hợp vi phạm pháp luật mang tính cá biệt, riêng lẻ, sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Hiện, nhiều tổ chức phát hành, nhà tư vấn khác trên thị trường vẫn được đánh giá tích cực, an toàn và chuyên nghiệp.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) chia sẻ, việc giám sát chặt chẽ hơn nhằm mục đích đưa các hoạt động trái phiếu đi đúng khuôn khổ của luật pháp, tránh những tình huống lách luật, cũng như là phát hành chui mà không đảm bảo các yếu tố tài sản đảm bảo và mục đích sử dụng vốn sẽ gây những rủi ro cho trái chủ sau này.
Vi phạm thì phải xử lý, việc xử lý phải thật nghiêm, xử một người để cứu nhiều người, bảo vệ đa số các nhà đầu tư, đây là chủ trương xuyên suốt, nhất quán. Và điều đó mới đây, tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước luôn nhất quán chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế”, đồng thời luôn hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp làm giàu chính đáng”.
Quan điểm này của Thủ tướng được đưa ra mang nhiều ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đây không chỉ là cam kết trong việc bảo vệ các nhà đầu tư chân chính, mà còn góp phần ổn định tâm lý thị trường.
Theo TS Lê Đạt Chí - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đã là thị trường, việc nhóm này được lợi, nhóm kia bị thiệt là điều khó tránh, và thị trường tự có cách điều chỉnh. Trên thị trường chứng khoán, thua lỗ cũng là bài học cần thiết để nhà đầu tư trưởng thành hơn.
Không hình sự hóa là cách tốt để không phá vỡ quy luật thị trường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc Chính phủ quyết liệt điều tra, xử phạt nghiêm minh là điều cần thiết để răn đe. Việc ổn định thị trường trái phiếu và cổ phiếu để duy trì kênh huy động vốn trong nước là cần thiết lúc này.
Do đó, việc không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế cũng góp phần giúp tâm lý thị trường ổn định, tăng thanh khoản, từ đó giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn phát triển kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm.
Còn theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN, bản chất trong các vụ án kinh tế, ranh giới giữa hình sự và dân sự là tương đối mong manh, trong một tranh chấp kinh tế, đôi khi người này cho là có dấu hiệu hình sự, người khác lại cho là dân sự. Cho nên, khi một tranh chấp kinh tế mà việc xác định dân sự hay hình sự không rõ ràng thì không nên hình sự hóa.
“Các quan hệ kinh tế thường phản ánh kinh tế thị trường, điều chỉnh bởi thị trường, nên nếu một tranh chấp kinh tế có dấu hiệu vi phạm hành chính thì xử phạt nghiêm, đánh nặng vào túi tiền. Nếu có dấu hiệu dân sự thì nên để tòa án hoặc trọng tài giải quyết, không nên đặt ra vấn đề hình sự quá nhiều hay coi hình sự là trọng tâm”, Luật sư Hiệp chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế: Bảo vệ các nhà đầu tư… chân chính
04:10, 25/04/2022
Lành mạnh thị trường, nhưng không… “hình sự hóa”
04:15, 24/04/2022
Hai giám đốc trắng tay vì“hình sự hóa”
09:16, 04/01/2022
Nỗi lo hình sự hóa quan hệ kinh tế sau đại dịch
03:34, 24/08/2021
Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự: Nguy cơ doanh nhân mang thân phận bị cáo… "suốt đời”
04:30, 06/10/2020
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: 9 năm đi tìm, lời giải vẫn bằng không?
04:30, 19/09/2020