Tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) còn trong giai đoạn triển khai hoặc vẫn còn “nằm trên giấy”, dù có không ít doanh nghiệp muốn đến đầu tư.
Theo Quyết định ngày 06/7/2018 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 4 KCN và 12 CCN.
Đến nay mới chỉ có 2 KCN đã đi vào hoạt động là KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm) rộng 136,7 ha được quy hoạch phát triển đa ngành, tỷ lệ lấp đầy khoảng 93% và KCN Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) nằm trong KKT Vân Phong có diện tích 207,9 ha, được quy hoạch phát triển đa ngành, nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy chỉ hơn 30%. Riêng 2 KCN còn lại là Nam Cam Ranh (TP. Cam Ranh) quy hoạch 350 ha và KCN Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) quy hoạch 200 ha hiện vẫn đang được kêu gọi đầu tư.
Ngoài 4 KCN nói trên, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn quy hoạch 12 CCN gồm: Diên Phú, Đắc Lộc, CCN và chăn nuôi Khatoco, Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É (1, 2, 3), Tân Lập, Ninh Xuân, Dốc Đá Trắng, Cam Thịnh Đông, Sơn Bình và Cam Thành Nam với tổng diện tích khoảng 618,26 ha.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có 8 CCN có quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó, chỉ có 6 CCN (Diên Phú, Diên Phú – VCN, Đắc Lộc, CCN và Chăn nuôi Khatoco, Trảng É 1, Sông Cầu) đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đi vào hoạt động. Riêng CCN Trảng É 2 đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật và CCN Diên Thọ đang triển khai thủ tục đầu tư. Các CNN còn lại đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Theo ông Trần Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Công thương Khánh Hòa, việc thu hút đầu tư tại các KCN và CCN trên địa bàn có một số khó khăn nhất định. Một phần nguyên nhân là khâu giải phóng mặt bằng chậm, hạ tầng chưa đồng bộ và vướng quy hoạch, thủ tục đầu tư...
Cụ thể, dự án CNN Diên Thọ do Công ty TNHH B.J Korea làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2019, song đến nay, dự án đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là do chưa có giá đất cụ thể cho các trường hợp này, dẫn đến việc chậm tiến độ, giải phóng mặt bằng dự án.
Để giải quyết khó khăn trên, mới đây, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra nội dung kiến nghị của Công ty TNHH B.J Korea theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi có phương án, báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết.
Để gỡ vướng cho các KCN, CCN, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hội đồng sẽ tổ chức họp chấm điểm trên thang điểm 100 cho các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư. Doanh nghiệp có số điểm từ 50 trở lên sẽ được xem xét, giao làm chủ đầu tư hạ tầng CCN. Trường hợp có từ 2 doanh nghiệp trở lên cùng đề nghị được làm chủ đầu tư thì giao cho doanh nghiệp có số điểm cao nhất. Nếu có hai doanh nghiệp trở lên có số điểm cao nhất bằng nhau thì Hội đồng báo cáo UBND tỉnh quyết định.
Có thể bạn quan tâm