Về mặt lý luận thì việc hình thành phát triển khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN) đều khắp là hướng đến đa mục tiêu: tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Thế nhưng trước thực trạng nhiều KCN, CCN “phơi mình” chờ nhà đầu tư đã khiến các cấp quản lý thật sự “đau đầu” tìm hướng giải quyết.
“Cái khó bó cái khôn”
Là một tỉnh “nằm kẹt” giữa sông Tiền, sông Hậu, giao thông cách trở nên một thời Đồng Tháp được xem là tỉnh “vùng sâu” của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chính vì hạ tầng giao thông kết nối chưa thông suốt nên những năm trước đây 3 KCN của địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong mời gọi đầu tư, có nhà đầu tư hạ tầng đã phải xin trả lại dự án.
Kể từ khi cầu Cao Lãnh thông xe, tuyến đường kết nối QL1 đến Cao Lãnh qua TP.Sa Đéc đã thuận lợi hơn, Đồng Tháp đã bắt đầu được nhà đầu tư chú ý đến.
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp: chính nhờ sự kiên trì trong cải thiện môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng giao thông kết nối được cải thiện mà tình hình thu hút đầu tư vào địa phương đã cải thiện rỏ nét trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tính đến nay 3 KCN của tỉnh là Sa Đéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu với diện tích gần 200 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 95%. Để có quỹ đất bố trí cho nhà đầu tư trong thời gian sắp tới, UBND tỉnh đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Tân Kiều 150 ha tại huyện Tháp Mười, dự kiến trong năm 2019 sẽ có quỹ đất sạch phục vụ công tác thu hút đầu tư.
Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp: địa phương có 14 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với diện tích đất công nghiệp hơn 300 ha, tính đến nay đã cho thuê hơn 200 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng trên 66 %.
Phó Tổng giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang tại KCN Sa Đéc, ông Hàng Văn cho rằng, tỉnh Đồng Tháp có chính sách về cải thiện thủ tục hành chính rất tốt, đặc biệt là thành lập được câu lạc bô doanh nghiệp- nơi mà doanh nghiêp có thể dễ dàng gặp lãnh đạo tỉnh để nói lên những vướng mắc của mình hay đề xuất cải thiện chính sách có lợi cho doanh nghiệp.
Ông Trần Bình Phúc, Tổng giám đốc khu vực hải ngoại Cty TNHH TongWei Việt Nam (chuyên sản xuất thứ ăn chăn nuôi, thủy sản) cho biết: Đồng Tháp được công ty lựa chọn đầu tư vì nơi đây có thị trường tiêu thụ rất tốt, chính quyền địa phương thân thiện luôn tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp.
“Tuy Đồng Tháp còn khó khăn về hạ tầng giao thông kết nối, chi phí logistics cao nhưng bù lại địa phương luôn đồng hành và xem thành công của nhà đầu tư là thành công của mình. Trên tinh thần đó chúng tôi đã tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư đến với Đồng Tháp không chỉ được hỗ trợ tận tình từ lúc khởi động dự án mà địa phương cũng cam kết thực hiện chính sách “hậu mãi” một cách tốt nhất trong suốt vòng đời dự án”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc chia sẻ.
Cần một chiến lược đầu tư căn cơ
Trong một báo cáo của Bộ Công thương về xây dựng chiến lược phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL, cho rằng: Nhìn chung ngành công nghiệp của Vùng chưa có sản phẩm lõi, có giá trị gia tăng cao, chủ yếu là công nghiệp chế biến. Thu hút đầu tư vào vùng này còn thấp vì các hạn chế: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chi phí đầu tư cao, chất lượng quy hoạch và định hướng chung cho phát triển mang tính kinh tế vùng còn thấp...
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đồng ý với yêu cầu của TP.Cần Thơ trong xúc tiến nhanh dự án Trung tâm logistics hạng II tại cụm cảng Cái Cui và cho phép nghiên cứu dự án Trung tậm logistics hàng không tại khu vực Sân bay Quốc tế Cần Thơ.
TS Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ chỉ ra những hạn chế của khu vực ĐBSCL như vị trí đặt KCN, CCN chưa hợp lý, năng lao động còn khá thấp; chính sách ưu đãi đầu tư chưa bình đẳng, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế…
“Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhận diện những thuận lợi, khó khăn trong phát triển KCN, CCN trong thời gian qua, kip thời đưa ra những cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định lâu dài, khẳng định niềm tin cho doanh nghiệp, đó là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cơ quan quản lý Việt Nam trong kiến tạo, vực dậy tiềm năng kinh tế cho vùng ĐBSCL trù phú”, ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM đề xuất.