Nga đang muốn giành lại ảnh hưởng với các nước láng giềng. Nếu Mỹ và NATO muốn mở rộng địa bàn về phía Đông, thì không thể làm lơ vấn đề Ukraine.
Năm 2014, cả Ukraine và phương Tây bất lực đứng nhìn bán đảo Crimea đường hoàng trở thành một phần của Nga. Người Mỹ tỏ ra giận dữ nhưng Putin - thời điểm đó cho thấy ông là chính trị gia khó đối phó.
Một chiếc cầu khổng lồ gấp rút hoàn thành bắc qua eo biển Kerch nối liền Crimea với bán đảo Taman ở bờ Tây nước Nga. Dưới nhịp cây cầu, khí tài Nga luôn thường trực theo sát mọi động tĩnh của Ukraine đi lại giữa Biển Đen và biển Azov.
Ngày 25/11, Moscow đã ngăn chặn và bắt giữ 3 tàu của Ukraine - gồm 2 tàu chiến và một tàu kéo - với lý do bộ ba này di chuyển trái phép vào lãnh hải Nga ở Biển Đen.
Lập tức chính quyền Kiev ban bố tình trạng thiết quân luật, Putin cho rằng đó là “hành động liều lĩnh”. Vấn đề ở eo biển Kerch có nghiêm trọng đến mức để Ukrane và Nga “nâng cấp” nó thành cuộc khủng hoảng?
Thật ra, cả hai phía đều có quyền tự do hàng hải ở eo biển này theo một hiệp ước năm 2003. Mọi việc có thể giải quyết êm đẹp hơn nếu đằng sau đó không ẩn chứa mưu đồ chính trị. Việc gấp rút ban bố thiết quân luật xem ra có lợi cho Tổng thống Proshenko nhằm cứu vãn tình trạng giảm uy tín khi chiến dịch tái tranh cử sẽ diễn ra vào tháng 3/2019.
Có thể bạn quan tâm
15:36, 18/03/2018
17:31, 16/08/2016
14:39, 18/02/2016
11:31, 21/01/2016
14:21, 03/01/2016
Cần nói thêm rằng, cuộc bầu cử ở Ukraine không thể diễn ra đúng kế hoạch nếu tình trạng thiết quân luật chưa thể gỡ bỏ, có nghĩa rằng ông Proshenko tiếp tục giữ chức vụ Tổng thống!
Đây cũng không phải là hành động bột phát của Nga. Dưới thời Trump, quan điểm của Washington về đồng minh Ukraine ngày càng rành mạch - cung cấp vũ khí sát thương và đã gửi hơn 200 tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine.
Trước đó dưới thời ông Obama, Mỹ luôn làm ngơ trước mọi lời đề nghị, yêu cần khẩn thiết của đồng minh Ukraine về việc cung cấp vũ khí sát thương cho họ chống lại Nga và lực lượng ly khai miền Đông.
Vì vậy, hành động của Nga không nằm ngoài mục đích thăm dò mức độ thân mật giữa Kiev và Washington giữa lúc phương Tây đang chia rẽ sâu sắc. Người Nga cần biết tiến trình gia nhập NATO của Ukraine dưới thái độ chào đón của Mỹ đạt đến mức nào?.
Sau sự kiện Crimea, Ukraine nghiêng hẳn về phương Tây, gia nhập NATO là mục tiêu hàng đầu trong mấy năm nay của chính quyền Kiev, thực tế Ukraine đã là quốc gia “nghiên cứu sinh” trong NATO.
Nga không muốn mất đi người láng giềng lịch sử Ukraine vì nhiều lý do, nhưng những gì Moscow trình diễn trong cuộc khủng hoảng Crimea hồi năm 2014 hoàn toàn có thể làm Kiev tự ái và ngả về phương Tây.
Rất trùng hợp, Ukraine rất có giá trị chiến lược với Mỹ và NATO. Dọc biên giới bờ Tây nước Nga, hầu hết các quốc gia như Estonia, Litva, Latvia đều là thành viên NATO, còn duy nhất Ukraine - một trong những nước có diện tích lớn nhất Đông Âu chưa thể thoát khỏi ảnh hưởng của Nga.
Ông Putin thừa biết rằng, Moscow hoàn toàn có thể can thiệp quân sự vào Ukraine vào lúc này mà không vấp phải đòn phản kháng từ NATO, và Kiev không thể kỳ vọng NATO sẽ giúp đỡ họ - vì chưa phải là thành viên chính thức của tổ chức này.
Rất có thể sau sự cố này, Kiev phải quyết đoán, hoặc thấy được ý nghĩa của NATO với an ninh đất nước, hoặc phải từ bỏ ý định gia nhập. Dĩ nhiên, Moscow không muốn thấy một Kiev tù mù, không rõ ràng về chính sách ngoại giao.
Ukraine và cả vùng Đông Âu luôn là địa bàn cạnh tranh của Mỹ và Nga. Phương Tây có vẻ đã thành công sau khi Liên xô tan rã, nhưng giờ là lúc Nga đang muốn thể hiện vị thế cường quốc, giành lại ảnh hưởng với các nước láng giềng. Bởi vậy, nếu Mỹ và NATO muốn mở rộng địa bàn về phía Đông, thì không thể làm lơ vấn đề Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra, giờ đây người ta không chỉ chờ đợi cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, mà vấn đề hòa bình ở Donbass sẽ khiến Washington san sẻ khá nhiều sức lực trong cuộc đấu lý với Bắc Kinh.