Kích cầu du lịch: Nỗ lực từ một huyện vùng cao

Bài và ảnh: Kỳ Nam 22/03/2022 15:18

Với tiềm năng sẵn có Lâm Bình được xác định là tuyến điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang bởi du khách có thể đến đây cả bốn mùa trong năm.

>>Cần chương trình bài bản, tổng thể để làm "nóng" lại du lịch

Binhf minh tren hồ sinh thái Lâm Bình(+0,76x1,2)

Bình minh trên hồ sinh thái Lâm Bình.

Tuyến điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang

Lâm Bình, cái tên gọi đã gắn với rừng cùng sự bình yên của nơi đây. Là huyện vùng sâu, vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, Lâm Bình có diện tích rừng che phủ lên đến 75%,cùng diện tích hồ Tuyên Quang rộng trên 8.000ha, nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó phải kể đến: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập, Phúc Yên; hòn Cọc Vài (cọc buộc trâu của chàng Khổng lồ Tài Ngào).

Cánh đồng xã Khuôn Hà, Lâm Bình

Cánh đồng xã Khuôn Hà, Lâm Bình.

Lâm Bình còn có một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ, hầu như chưa có dấu chân con người. Từng hang động có vẻ đẹp kỳ vĩ khác nhau, nhưng đều chung một điểm lòng hang rộng từ 50 đến 200 mét; trần hang cao từ 20 đến 50 mét; độ dài của hang từ 500 đến 1.500 mét; nhiều thạch nhũ lung linh, kỳ ảo, biến hóa, được các chuyên gia đánh giá rất cao về giá trị khảo cổ, địa chất và giá trị du lịch cần được tìm hiểu, khám phá, tiêu biểu trong số đó là Hang Khuổi Pín, hang Nặm Thuổm, hang Giếng trời, hang Khuổi Poóng, Động Song Long,… cùng trên 10 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt hơn nữa, cũng tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, có tộc Người Thủy hiện còn 54 hộ, 105 khẩu. Là tộc người ở Việt Nam có duy nhất ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Cọc Vài trên hồ Lâm Bình, Tuyên Quang

Cọc Vài trên hồ Lâm Bình, Tuyên Quang.

Lâm Bình không chỉ được biết đến với nhiều thắng cảnh đẹp, nhiều lễ hội và phong tục độc đáo mà còn là nơi chứa đựng nét văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo hết sức lý thú và hấp dẫn du khách. Nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương như: mật ong, nấm hương rừng, chè Khau mút, rượu ngô, rượu thóc men lá, cá đặc sản lòng hồ,… và các món ăn đặc sản địa phương như: Thắng cố, mèn mén, thịt chua, cá chua, cá mắm ruộng, xôi ngũ sắc, thịt lợn bí, cá khuy suối lam ống nứa, bánh trứng kiến, bún cổ truyền, ốc suối, rêu suối, rau rừng, thịt trâu gác bếp, da trâu khô, các loại rau rừng: nõi chuối rừng, bắp bi chuối rừng, bò khau, rau ngót rừng,… thảo dược từ rừng: giảo cổ lam, sâm đá, sâm cau, tầm gửi,… cùng với hương vị rượu ngô, rượu thóc men lá,…

Với tiềm năng sẵn có Lâm Bình được xác định là tuyến điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang bởi du khách có thể đến đây cả bốn mùa trong năm.

Bản Cài, Thượng Lâm. Nơi tổ chức đua thuyền Kayak nhân tuần lễ Du lịch

Bản Cài, Thượng Lâm - Nơi tổ chức đua thuyền Kayak nhân tuần lễ Du lịch.

Khởi động với thông điệp "an toàn" và "hấp dẫn"

10 năm qua kể từ khi thành lập, bằng sự đoàn kết, quyết tâm, sự tâm huyết của lãnh đạo các cấp chính quyền, những nỗ lực to lớn của người dân các dân tộc nơi đây, Lâm Bình đã ngày càng khởi sắc. Từ một huyện nghèo nhất tỉnh, cơ sở hạ tầng chưa có gì, cán bộ từng ở nhờ nhà dân để làm việc… Lâm Bình hôm nay đã khởi sắc và được nhiều người biết đến nhờ định hướng chiến lược bài bản và chuyên nghiệp. Phát huy lợi thế và tiềm năng của địa phương, lấy du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch nhanh, bền vững; Tập trung xây dựng hạ tầng du lịch đồng bộ, các sản phẩm du lịch đặc sắc; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, tang thu ngân sách cho địa phương và thúc đẩy các nghành kinh tế khác phát triển.

Đua thuyền trên hồ Sinh thái Lâm Bình, Na Hang

Đua thuyền trên hồ Sinh thái Lâm Bình, Na Hang.

Sau hai năm dịch COVID-19 hoành hành ngành du lịch hầu như đóng cửa, kinh tế gặp nhiều khó khăn, là huyện vùng sâu, vùng xa du lịch Lâm Bình cũng gặp không ít khó khăn. Thực hiện chủ chương của Chính phủ về kích cầu du lịch sau khi dịch đã cơ bản được khống chế; từ năm 2021 HĐND huyện Lâm Bình đã xây dựng chỉ tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội trong đó thu hút 132 ngàn lượt khách du lịch. Những ngày này, để chuẩn bị cho sự kiện “Tuần lễ du lịch Lâm Bình – Tuyên Quang” các cấp Chính quyền cùng người dân đang tấp nập chuẩn bị cơ sở vật chất, văn hóa cho việc đón khách du lịch với nhiều chương trình đặc sắc như: Thi nấu xôi ngũ sắc, làm bánh trứng kiến, đua thuyền kayak; thi thêu, dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong; các trò chơi dân gian… đặc biệt có “Lễ hội kinh khí cầu Quốc tế” với sự tham gia của 15 quốc gia.

Nhảy lửa, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn, Lâm Bình

Nhảy lửa, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn, Lâm Bình.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Lễ hội sắp tới, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Thực hiện kích cầu du lịch lần 2 được Tổng cục Du lịch khởi động với thông điệp "an toàn" và "hấp dẫn". Ngay từ những năm trước huyện đã triển khai phương án trồng cây xanh, cây hoa, lá màu trên các tuyến đường giao thông; vận động các hộ dân trồng cây xanh, cây hoa, cải tạo, chỉnh trang không gian cảnh quan, đảm bảo xanh, sạch, đẹp hấp dẫn khách du lịch. Làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường và an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, các điểm tham quan, mua sắm,... bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và các quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo môi trường hoạt động du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và chất lượng. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất. Lâm Bình hiện có 42 cơ sở lưu trú gồm các homestay và nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khoảng 2000 du khách, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Huyện đã sẵn sàng và mong được đón du khách đến trải nghiệm không gian văn hóa, cảnh quan giao lưu cùng bà con các dân tộc hiếu khách nơi đây từ 31/3 đến 6/4/2022”.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần chương trình bài bản, tổng thể để làm

    Cần chương trình bài bản, tổng thể để làm "nóng" lại du lịch

    04:00, 22/03/2022

  • Phát triển du lịch miền Trung (Kỳ 1): Luồng sinh khí mới

    Phát triển du lịch miền Trung (Kỳ 1): Luồng sinh khí mới

    11:00, 21/03/2022

  • Đổi mới các hoạt động du lịch

    Đổi mới các hoạt động du lịch

    10:54, 21/03/2022

  • Chuyển đổi số ngành du lịch: Bàn đạp vượt qua đại dịch

    Chuyển đổi số ngành du lịch: Bàn đạp vượt qua đại dịch

    03:00, 21/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kích cầu du lịch: Nỗ lực từ một huyện vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO