Kích thích kinh tế mùa dịch COVID-19 (Kỳ II): Tham vọng của Liên minh châu Âu

CẨM ANH 21/05/2021 04:30

Là một trong những khu vực từng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu cũng đã có bước đi đầy tham vọng để phục hồi nền kinh tế nội khối.

Để phục hồi kinh tế do khủng hoảng Covid-19, Liên minh châu Âu cũng đã thông qua gói cứu trợ nền kinh tế trị giá 750 tỷ Euro

Để phục hồi kinh tế do khủng hoảng Covid-19, Liên minh châu Âu cũng đã thông qua gói cứu trợ nền kinh tế trị giá 750 tỷ Euro.

Gói phục hồi của EU bao gồm ngân sách dài hạn từ năm 2021-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và gói phục hồi có tên gọi "Thế hệ mới EU" trị giá 750 tỷ euro. 

Vào tháng 12/2020, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được sự đồng thuận về gói phục hồi kinh tế "Thế hệ mới EU" sau nhiều tháng đàm phán. Ngoài hỗ trợ EU phục hồi từ đại dịch COVID-19, gói phục hồi này còn giúp EU thực hiện các chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển vững mạnh.

Hội đồng EU và Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã đạt được một thỏa thuận chính trị vào tháng 11 để bảo đảm các cơ quan EU hợp tác hiệu quả hơn để gói cứu trợ trên đến đúng địa chỉ cần cứu trợ kịp thời và minh bạch.

Theo ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU), hiện tại, triển vọng tăng trưởng GDP của khu vực đang ở mức khả quan khả quan. Dù dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp do sự lây lan rất nhanh của các biến thể mới, nhưng nhờ chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc, Châu Âu đã có nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát dịch bệnh. Hiện đã có hơn 27,7% dân số của khu vực đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, giúp các nước thành viên dỡ bỏ dần các hạn chế và tạo động lực cho các hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội khối được thúc đẩy từ các khoản tiết kiệm trong thời gian có dịch. Theo báo cáo của Ủy ban Châu Âu (EC), dự tính đầu tư công tính theo phần trăm GDP vào năm 2022 có thể đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đó là do gói phục hồi 750 tỷ euro của châu Âu, gồm 390 tỷ euro cứu trợ và 360 tỷ euro cho vay có hoàn trả. Dự kiến Quốc hội của 27 nước thành viên EU sẽ thông qua việc giải ngân để bắt đầu triển khai từ tháng 7 năm nay.

“Tăng trưởng GDP của EU dự kiến phục hồi vào cuối năm 2021 và vào đầu năm 2022 đối với khu vực sử dụng đồng EUR gồm 19 nước, tới mức của năm 2019. Nếu tình hình đúng như dự báo mới nhất, sự phục hồi kinh tế của khu vực sẽ diễn ra sớm hơn 6 tháng so với dự báo đưa ra trong tháng 2/2021”, ông Paolo Gentiloni dự báo.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều có thể hưởng lợi như nhau. Trên thực tế, gói cứu trợ “Thế hệ mới EU” được thiết kế để giảm sự phân chia kinh tế giữa các nền kinh tế trong khu vực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Cụ thể, mỗi quốc gia thành viên sẽ phải dành tối thiểu 37% chi tiêu liên quan đến các mục tiêu khí hậu và môi trường và 20% chi tiêu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nền kinh tế.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, các quốc gia thành viên đã làm việc tích cực để xây dựng các kế hoạch phục hồi kinh tế. Vào tháng 4 vừa qua, các quốc gia thành viên đã bắt đầu đệ trình các ưu tiên chi tiêu của họ lên Ủy ban Châu Âu. Tổng hợp lại, bốn thành viên EU lớn nhất gồm Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ chiếm khoảng 45%, tương đương hơn 342 tỷ Euro trong tổng gói cứu trợ.

Italy hiện đang là quốc gia có kế hoạch chi tiêu lớn nhất. Với tổng mức chi tiêu là 205 tỷ EUR không bao gồm 30,6 tỷ EUR tài trợ quốc gia, Italy cũng là nước duy nhất trong số bốn quốc gia có kế hoạch sử dụng nguồn tiền cứu trợ ngay lập tức. Là quốc gia trong khối chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19 tồi tệ nhất, nền kinh tế của Italy báo cáo GDP đã giảm gần 9% trong năm 2020, so với mức giảm 6,2% trên toàn EU.

Chính vì vậy, chính phủ nước này đã xây dựng kế hoạch cung cấp các cơ hội cho các doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận khi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để đáp ứng được yêu cầu của gói cứu trợ “Thế hệ mới EU".

Các nền kinh tế thuộc EU cần đảm bảo

Các nền kinh tế thuộc EU đang nỗ lực chống lại tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế của khu vực này.

Mặc dù vậy, gói cứu trợ của EU có vẻ không đủ tham vọng để đáp ứng các cam kết của khối là cắt giảm 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030 và đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Cùng với đó, sự thay đổi chính trị trong thời gian tới tại hai quốc gia chủ chốt của EU là Đức và Pháp cũng được đánh giá có thể tạo ra sự không chắc chắn cho các dự án trong tương lai của khối, bao gồm xây dựng ngân sách của khối cho những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu được triển khai hiệu quả, gói cứu trợ cũng có thể đóng vai trò là chất xúc tác thu hút thêm nhiều danh mục và dòng vốn đầu tư từ bên ngoài khối. Nhiều chuyên gia tin tưởng, thị trường chứng khoán châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và tài chính sẽ thu hút đầu tư khi nền kinh tế EU phục hồi. 

Có thể bạn quan tâm

  • Kích thích kinh tế mùa dịch COVID-19 (Kỳ I): Mỹ

    Kích thích kinh tế mùa dịch COVID-19 (Kỳ I): Mỹ "mạnh tay" chi các gói cứu trợ trị giá nghìn tỷ USD

    04:30, 19/05/2021

  • Hiệu ứng từ các gói kích thích kinh tế

    Hiệu ứng từ các gói kích thích kinh tế

    13:00, 06/04/2021

  • Gói kích thích kinh tế lần 2: Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho hàng không, du lịch

    Gói kích thích kinh tế lần 2: Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho hàng không, du lịch

    02:00, 02/11/2020

  • Gói kích thích tăng trưởng “không tốn tiền” cho phục hồi kinh tế

    Gói kích thích tăng trưởng “không tốn tiền” cho phục hồi kinh tế

    16:11, 12/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kích thích kinh tế mùa dịch COVID-19 (Kỳ II): Tham vọng của Liên minh châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO