Một thị trường F&B đầy tiềm năng nhưng đã bão hòa, liệu với dự án “mới mà cũ” như Chuk Chuk, KIDO có thể hiện thực hóa tham vọng của mình?
Gần đây, tập đoàn KIDO chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng thương hiệu Chuk Chuk chuyên bán kem, cà phê, trà…, với tổng vốn đầu tư là 100 tỷ đồng, trong đó KIDO bỏ vốn chủ sở hữu 61% nắm quyền chi phối hệ thống của hàng bán lẻ và có thể sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư để tăng cường, mở rộng qui mô trong tương lai.
Với Chuk Chuk, KIDO có tham vọng trở thành thương hiệu quốc gia dẫn đầu thị trường F&B về độ phủ của thương hiệu và độ yêu thích của khách hàng, phát triển thành công chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế với hệ thống 1.000 cửa hàng trên toàn quốc cho đến hết năm 2025. Đồng thời, trong giai đoạn từ 2021 đến 2023, Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để phát triển mở rộng sang các nước Châu Á.
Trên lý thuyết là vậy, nhưng với một thị trường F&B dù đầy tiềm năng nhưng lại không thiếu sự cạnh tranh quyết liệt, KIDO có gì để hiện thực hóa tham vọng?
Một thị trường F&B nhiều cạnh tranh
F&B là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Food and Beverage Service, nghĩa là dịch vụ nhà hàng và quầy uống. Kinh doanh F&B chính là kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng và Kiosk bán hàng.
Ở thời điểm hiện tại, đại dịch COVID-19 vẫn chưa thể được kiểm soát một cách hoàn toàn ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Hệ quả của nó đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và đời sống người dân cũng như sự phát triển của nhiều thương hiệu lớn nhỏ, đặc biệt là ngành F&B, một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch.
Song, theo một con số thống kê của Euromonitor và BMI Research, ngành F&B tại Việt Nam vẫn đang được đánh giá là rất tiềm năng khi doanh thu toàn thị trường rơi vào khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Và với tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020-2025, có thể thấy đây là một thị trường đầy hứa hẹn, có sức hút cực lớn với các thương hiệu lớn nhỏ tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, thị trường F&B Việt Nam cũng đang có sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu lớn, kể cả nước ngoài và trong nước như: Highlands Coffee, Phúc Long Coffee and Tea, The Coffee House và Starbucks ở mảng đồ uống, hay như McDonald's, Domino's Pizza, Pizza Hut trong lĩnh vực đồ ăn nhanh…
Với sự cạnh tranh quyết liệt từ các thương hiệu nổi tiếng và lâu đời cả trên thế giới và Việt Nam, “tân binh” như KIDO nắm trong tay những gì để có thể “đấu lại”?
Chuk Chuk với tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến là 100 tỉ đồng, trong đó Kido sẽ tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống của hàng bán lẻ và sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư để tăng cường mở rộng quy mô trong tương lai.
Theo thông tin từ KIDO, cái tên Chuk Chuk được lấy ý tưởng từ phương tiện di chuyển Tuk Tuk khá phổ biến ở Thái Lan, thể hiện sự tiện lợi và linh hoạt. Ngoài ra, Chuk Chuk cũng mang âm hưởng vui vẻ, tinh thần thích khám phá, đánh vào sự tò mò của giới trẻ năng động ở Việt Nam.
Các chuỗi Chuk Chuk sẽ hoạt động với 3 mô hình, gồm cửa hàng outlet rộng 100-120m2, số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, nằm trên những trục đường chính và trung tâm thương mại; kiosk rộng 20m2 có vốn đầu tư dưới 200 triệu đồng và xe đẩy chỉ khoảng 3m2 đặt tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp...
Cùng với việc xây dựng chuỗi Chuk Chuk, KIDO đặt mục tiêu phát triển thành công chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế với hệ thống 1.000 cửa hàng trên toàn quốc cho đến hết năm 2025. Chỉ tính tiêng trong 2021, dự kiến Chuk Chuk sẽ mở 58 cửa hàng. Nếu thuận lợi, trong vòng 2-3 năm tới, hệ thống Chuk Chuk sẽ có mặt tại Hà Nội, các thành phố trực thuộc trung ương và trọng điểm du lịch.
Tuy vậy, trong thời điểm mà “nhà nhà mở chuỗi, người người mở điểm bán” thì Chuk Chuk có gì khác biệt?
Chia sẻ với truyền thông, CEO KIDO, ông Trần Lệ Nguyên cho rằng: "KIDO với mảng thực phẩm, kem, dầu ăn và trước đó có bánh kẹo, giờ đây dự án Chuk Chuk đã được ấp ủ từ hơn một năm trước cho việc ra mắt chuỗi cửa hàng, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái thực phẩm của KIDO. Chúng tôi muốn đem đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất".
Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu của KIDO. Chuk Chuk sẽ nắm trong tay một lợi thế rất lớn vì họ có thể tận dụng được mạng lưới phân phối rộng khắp của KIDO(450.000 điểm bán ngành hàng khô và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh), và thế mạnh của thương hiệu KIDO khi hiện tại họ đang dẫn đầu ngành hàng kem (chiếm 43,5% thị phần) tại Việt Nam.
Ngoài ra, KIDO còn có các nhà máy ở miền Bắc và TP.HCM, cùng với đó là chuỗi logistics có mặt trên 61 tỉnh thành. Đặc biệt, các sản phẩm được bán tại Chuk Chuk đều do KIDO tự sản xuất với sản lượng lớn, không giống nhiều đơn vị phải nhập khẩu từ nước ngoài hay gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng. Vì thế, giá thành sản phẩm hợp lý mà vẫn đảm bảo biên lợi nhuận.
Mặc dù, trong quá khứ Kido đã từng bắt tay hợp tác với các công ty trong ngành sữa, giải khát nhằm hiện thực hoá mở rộng sang ngành đồ uống giải khát là Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) và tập đoàn nước giải khát đến từ Đài Loan Uni-President.
Nhưng, những sai lầm trong chiến lược và sự cạnh tranh khốc liệt trong mảng đồ uống với các ông lớn như Suntory Pepsico Việt Nam, Tân Hiệp Phát hay các doanh nghiệp lớn khác cùng ngành như Coca-Cola, URC Việt Nam… đã khiến KIDO phải nhận những thất bại “sấp mặt”.
Giờ đây, rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ. KIDO đang cho thấy một cuộc “làm mới mình” bằng việc phát triển chuỗi Chuk Chuk, hướng đi mà họ đã đặt nhiều kỳ vọng khi đã mạnh tay tái cấu trúc tập đoàn vào năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm