KIDO và “mảnh ghép” mang tên Thọ Phát

NGUYỄN CHUẨN 01/09/2023 03:00

Không lâu sau khi trở lại mảng bánh kẹo, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO đã có toan tính mới khi ra tay thâu tóm một trong những thương hiệu dẫn đầu ngành bánh tươi, thương hiệu Bánh bao Thọ Phát.

>>“Cuộc rong chơi” mới của KIDO

 Bánh bao Thọ Phát chính là mục tiêu của KIDO trong chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh.p/Ảnh: VBI

Bánh bao Thọ Phát chính là mục tiêu của KIDO trong chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Ảnh: VBI

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO vừa công bố thông tin về việc đã sở hữu 51% cổ phần tại công ty sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát. Theo kế hoạch, KIDO sẽ tiếp tục nâng sở hữu tại công ty này để chi phối và sở hữu tối đa 70% thương hiệu theo từng giai đoạn. Công ty cho biết sẽ sử dụng Thọ Phát kết hợp cùng mảng bánh hiện tại của Tập đoàn, dự kiến mang về doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong năm 2023.

Mảnh ghép còn thiếu

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, Tập đoàn KIDO đang dẫn đầu ngành hàng kem tại Việt Nam với thị phần nắm giữ lên tới 44,5%. Đồng thời họ cũng đang dẫn đầu ngành bơ thực vật tại Việt Nam với 74,9% thị phần. Trong khi đó, năm 2023 được đánh giá là năm bản lề quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn KIDO ở giai đoạn tới khi tập đoàn này tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp theo 4 nhóm ngành, bao gồm kem, bánh kẹo, dầu ăn và nước mắm (và các loại nước chấm).

Chính vì vậy, ngay sau khi đã quay trở lại lĩnh vực bánh tươi với thương hiệu KIDO’s Bakery kể từ cuối năm 2021 và trở lại mảng bánh trung thu vào năm ngoái, công ty đã có những động thái tìm hiểu về Bánh bao Thọ Phát.

Trên thực tế, bánh bao từng là một mảnh ghép mà KIDO thèm muốn lâu nay. Ngay từ cuối năm 2015, công ty đã bước đầu đặt chân vào lĩnh vực này. Ở thời điểm đó, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO từng cho biết, bánh bao có thể là mảng kinh doanh tiềm năng, với mức sinh lời cao, khoảng 40-50% trên tổng doanh thu. Công ty khi đó đã từng đặt mục tiêu cung cấp ra thị trường 600.000 bánh/ngày.

Tuy nhiên, khi tự bắt tay vào sản xuất và phân phối, công ty đã gặp nhiều khó khăn và thách thức, họ quyết định thay đổi chiến lược bằng cách mua bán và sáp nhập. Bánh bao Thọ Phát chính là mục tiêu của KIDO trong chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Thương vụ thâu tóm này đã được công ty công bố vào cuối tháng 4/2023 với việc thông qua chủ trương mua lại 25% cổ phần của đơn vị sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát. Đó được xem là bước đi chiến lược để Tập đoàn này hiện thực hoá mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam trong tương lai.

“Trái ngọt” Thọ Phát?

Trên thực tế, việc thâu tóm và sáp nhập (M&A) các thương hiệu dẫn đầu ngành được coi là một trong những thế mạnh của KIDO. Ngay từ năm 2003, khi mà khái niệm này còn khá xa lạ với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, thì công ty đã ghi dấu ấn bằng thương vụ mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s của Unilever, thương hiệu chiếm hơn 50% thị trường kem Việt Nam lúc đó. Sau gần 20 năm hoạt động, KIDO vẫn đang dẫn đầu ngành hàng kem với thị phần nắm giữ lên tới 44,5%.

Sau đó 5 năm, KIDO tiếp tục thâu tóm Vinabico, thông qua thương vụ này, KIDO đã đạt được mục tiêu mở rộng ngành hàng, cụ thể là nhóm sản phẩm bánh tươi và kẹo trang trí với thị phần đang dẫn đầu của Vinabico. Tiếp đó, KIDO cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực M&A khi thực hiện thương vụ sáp nhập Kinh Đô miền Bắc (NKD) và KIDO năm 2010. Sau sáp nhập, doanh thu năm 2011 của tập đoàn này đã đạt gấp 1,7 lần con số dự kiến trước sáp nhập.

Tuy nhiên, bên cạnh “trái ngọt” từ sự thành công của các thương vụ điển hình kể trên, KIDO cũng gặp không ít những thương vụ mang lại “vị đắng”, tiêu biểu như hai khoản đầu tư vào Tribeco và Nutifood. Trong hai thương vụ này, Kinh Đô đã ghi nhận khoản lỗ tổng cộng khoảng 70 tỷ đồng, khiến lợi nhuận ròng quý II/2012 của Tập đoàn âm khoảng 9 tỷ đồng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự thất bại của KIDO trong hai thương vụ này nằm ở chỗ các khoản đầu tư không đơn thuần là kinh doanh mà còn mang hơi hướng của việc đầu cơ, họ gặp khó khăn trong vấn đề góp ý và quản lý điều hành chiến lược, đồng thời cũng chưa thể hiện được khả năng hỗ trợ đối tác xử lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Giờ đây, trong thương vụ thâu tóm Bánh bao Thọ Phát ở thời điểm hiện tại, có thể chiến lược của KIDO sẽ có những sự khác biệt với các khoản đầu tư vào Tribeco và Nutifood. Theo chiến lược mới của công ty, khi thâm nhập vào các ngành hàng mới thông qua M&A, KIDO sẽ cần thêm nhân sự am hiểu về ngành hàng đó để giúp tập đoàn vận hành hiệu quả những mảnh ghép mới. KIDO cũng đang tổ chức và vận hành theo mô hình đơn vị kinh doanh chiến lược, thông qua đó công ty có thể nhân bản hệ thống qua sáp nhập và mở rộng hoạt động dễ dàng và nhanh chóng.

Giới quan sát cho biết, việc thâu tóm Thọ Phát là một nước cờ hay của KIDO, nhằm góp phần giúp công ty có thể vươn lên dẫn đầu và thâu tóm thị trường thực phẩm Việt Nam trong tương lai. Điều này không chỉ giúp KIDO gia tăng doanh thu và lợi nhuận, mà còn giúp công ty phát triển theo chiều hướng tích cực.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cuộc rong chơi” mới của KIDO

    “Cuộc rong chơi” mới của KIDO

    04:00, 03/03/2023

  • KIDO toan tính gì khi lại bán vốn?

    KIDO toan tính gì khi lại bán vốn?

    02:00, 03/02/2023

  • KIDO rời bỏ chuỗi ăn uống

    KIDO rời bỏ chuỗi ăn uống

    05:05, 22/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KIDO và “mảnh ghép” mang tên Thọ Phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO