KIDO vừa chính thức nhảy vào thị trường nước mắm truyền thống, một thị trường “xưa cũ” nhưng lại chưa có một thương hiệu dẫn đầu. Đây hứa hẹn là một cơ hội cho một ông lớn cỡ KIDO.
>>Tập đoàn Kido “bắt tay” với TikTok ra mắt kênh giải trí mua sắm E2E
Tập đoàn KIDO (KDC) hồi cuối năm 2023 cho ra mắt các sản phẩm nước mắm truyền thống dưới nhãn hiệu Trường An, bao gồm: Nước mắm cá cơm Tường An 40 Độ đạm - Đậm đà; Nước mắm cá cơm Tường An 32 Độ đạm – Hài hòa.
Đầu năm 2023, KIDO đã đầu tư 196 tỷ đồng cho CTCP Thực phẩm và Gia vị TA để sản xuất nước mắm. Theo hãng công bố, dòng nước mắm cao đạm cá cơm Tường An được ủ chượp theo phương pháp truyền thống từ 100% cá cơm tươi Phú Quốc. Ngoài ra, nhà máy sản xuất nước mắm Tường An đạt chứng nhận FSSC 22000 và đặc biệt là đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kido kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu thực vật Tường An cho biết, việc tham gia vào thị trường gia vị là một chiến lược quan trọng của Kido, mục tiêu của tập đoàn là mở rộng và chiếm lĩnh thị trường thực phẩm thiết yếu, lấp đầy gian bếp Việt. Ông cũng chia sẻ thêm KIDO sẽ sử dụng lợi thế về thương hiệu Tường An để thâm nhập tại từng khu vực, thị trường.
Với 46 năm hoạt động trên thị trường, có dấu ấn thương hiệu nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt, Tường An sẽ giúp KIDO đưa sản phẩm mới vào thị trường một cách dễ dàng hơn và bớt áp lực. Ban lãnh đạo Kido cũng đặt niềm tin vào đội ngũ nhân sự, hệ thống logistics, kênh phân phối bao gồm hệ thống 450.000 điểm bán sẵn có và các kênh thương mại điện tử để phát triển ngành nhanh chóng.
Trước hết, có thể nói thị trường nước mắm truyền thống rất tiềm năng. Đồng thời, nước mắm truyền thống của Việt Nam còn là sản phẩm được xuất khẩu tại các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, v.v.. Theo báo Pháp Luật đưa tin, Mỹ là thị trường tiêu thụ nước mắm truyền thống của Việt Nam lớn nhất với doanh số ước tính đạt 5,9 triệu USD năm 2021. Tiếp theo, Nhật Bản với doanh số hơn 4 triệu USD. Các thị trường khác như Trung Quốc, Campuchia, Hà Lan, v.v. giá trị xuất khẩu nước mắm cũng tăng trưởng tốt 30%-40%.
Cuối năm 2020, Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam chính thức thành lập. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu nước mắm truyền thống trong làng ẩm thực của Việt Nam. Và đó cũng là một động thái thể hiện sự quan tâm của chính phủ với ngành hàng này.
Tuy nhiên, một thị trường tiềm năng đến vậy lại chưa hề có “người đứng đầu”. Trên thị trường nước mắm truyền thống từ xưa đến nay, đa số là các cơ sở sản xuất dưới những tên thương hiệu rất chung chung như nước mắm Phú Quốc, Cát Hải, Nha Trang, Phan Thiết v.v.. Bộ NN&PTNT cho biết cả nước tính tới tháng 4 năm 2022 có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất, kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm, với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm. Rất hiếm các thương hiệu chuyên nghiệp như Nước mắm Hồng Hạnh hay 584 Nha Trang.
Như vậy là:
Thị trường nước mắm truyền thống tại Việt Nam rất tiềm năng và đang được chú trọng phát triển. Tuy nhiên, thị trường này còn đang bị phân mảnh, chưa có thương hiệu lớn nào chiếm lĩnh thị trường. Khách hàng chia rộng, rải rác theo các thương hiệu “chung chung” nổi tiếng xưa cũ.
Đây có thể coi là cơ hội dành cho KIDO, bởi tập đoàn này sở hữu rất nhiều lợi thế như nguồn vốn, máy móc sản xuất và hệ thống kênh phân phối. Do đó, không khó để KIDO có thể xâm nhập vào thị trường nước mắm truyền thống còn khá “sơ khai” chưa có thương hiệu của doanh nghiệp nào thống trị.
Có thể bạn quan tâm