Nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu tuyệt đối không để phát sinh lợi ích nhóm, tiêu cực trong tăng trưởng tín dụng.
>>>Tháo “nút thắt” tín dụng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1403/CĐ-TTg ngày 22/12/2023 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Công điện nêu yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khả thi, khoa học, đúng quy định, sát tình hình, tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng… trong việc tăng trưởng tín dụng, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm hoặc tăng trưởng tín dụng không lành mạnh, phục vụ lợi ích nhóm, sân sau…
Yêu cầu Thống đốc NHNN chỉ đạo sử dụng các công cụ theo quy định đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn.
"Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và có nguy cơ nợ xấu tăng", Thủ tướng chỉ đạo.
Đồng thời, các vấn đề liên quan đến trái phiếu cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nóng NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý nghiêm theo quy định việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng không đúng quy định, gây thiệt hại tài sản cho khách hàng.
Chuẩn bị cho 2024, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung chỉ đạo chuẩn bị kỹ, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng năm 2024, trong đó chú trọng rà soát, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả, không để nợ xấu phát sinh.
>>>Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
Với Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 9444/VPCP-V.I ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phối hợp với các cơ quan liên quan nắm tình hình, triển khai các biện pháp công tác, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng và cấp hạn mức tăng tín dụng trái các quy định, thiếu minh bạch, công khai, có tiêu cực, nhất là việc "xin - cho" trong việc cấp hạn mức tín dụng và tiêu cực trong môi giới, tư vấn bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Công điện số 1403/CĐ-TTg tiếp theo Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2023 và Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18 tháng 12 năm 2023 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.
Trước đó, tại Thông báo số 527/TB-VPCP, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô… nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức, góp phần loại bỏ tín dụng đen, Giao NHNN nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ mới cho các dự án xanh, chuyển đổi số; Đồng thời yêu cầu tăng cường mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm rủi ro và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau, việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.
Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 10/2023, cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế, đối với lĩnh vực ưu tiên: Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 313 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,45%, tăng 8,51% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,78%, tăng 20,09% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 18,44% so với cuối năm 2022. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,19% so với cuối năm 2022, chiếm 21,04% dư nợ nền kinh tế.
Đến cuối 30/11/2023, NHNN thống kê, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang đẩy nhanh hơn trong giai đoạn cuối năm. Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (không ưu tiên) thì được ghi nhận đến 30/09/2023 có tổng dư nợ đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022. Theo đó, dư nợ bất động sản chỉ thấp hơn dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và thậm chí cao hơn dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu nói về "cho vay sân sau", thì khu vực liên thông tín dụng ngân hàng - bất động sản là cao nhất và có nhu cầu vốn "sân sau" nhiều nhất. Ngoài ra, "mắt xích" trung gian là CTCK với hoạt động hỗ trợ phát hành trái phiếu cũng đáng xem xét.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quan, ông Quản Trọng Thành - GĐ Phân tích của MSVN, một trong những người sát sao với ngành ngân hàng - khẳng định với DĐDN, thực ra tỷ trọng dư nợ bất động sản/ tổng dư nợ khoảng 7% là mức thấp đã duy trì suốt 3-4 năm qua, và rất thấp so với quá khứ có giai đoạn tăng 13-14%. Và theo ông Thành, trong giai đoạn hiện nay, thậm chí vẫn còn có thể tăng thêm lên khoảng 8% để tăng khả năng hấp thụ vốn, lan tỏa, mà không gây nguy hiểm cho hệ thống.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hoá
15:37, 22/12/2023
3 điểm đến tập trung của tín dụng cuối năm
16:01, 19/12/2023
Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để khơi dòng “tín dụng xanh”
03:30, 20/12/2023
Giảm lãi suất, tăng tiếp cận vốn nhưng cầu tín dụng cần thời gian phục hồi
09:03, 20/12/2023