KIỂM SOÁT CƠN SỐT ĐẤT: Quản lý nghiêm hoạt động môi giới bất động sản

DIỆU HOA 20/05/2021 15:00

Theo các chuyên gia, những cơn sốt đất vừa qua là một trong những hệ quả của việc quản lý môi giới hành nghề bất động sản còn lỏng lẻo, môi giới tự phát lộng hành.

Bát nháo môi giới tự phong

Đánh giá về hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản không có bằng cấp và chứng chỉ hợp lệ.

Những người này có thể tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường. Giá mua bán tuy vẫn được ghi nhận nhưng những con số này không thực sự phản ánh giá giao dịch thực giữa người mua và người bán.

sgsag

Hoạt động hành nghề môi giới bất động sản vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ

Ông Matthew Powell cho biết, ở một số nước như Anh hay Hồng Kông, các môi giới phải được cấp bằng cấp để hoạt động trong lĩnh vực này, hoạt động thẩm định giá đất cũng được thực hiện bởi những người có trình độ, bằng cấp liên quan. Do đó, khó xuất hiện tình trạng tự đẩy giá bất động sản như ở Việt Nam.

Trên thực tế, theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, song chỉ 10% có chứng chỉ nghề, một tỷ lệ rất thấp. Đó là chưa kể năng lực hành nghề của những người có chứng chỉ cũng còn nhiều vấn đề. Ngoài ra, tình trạng tự nhận là giám đốc các sàn bất động sản theo cũng diễn ra rất phổ biến.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch VARs cho biết, thực tế này đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản, rủi ro cho người mua."Sự thiếu nghiêm túc, làm ăn chộp giật trong hoạt động môi giới là mầm mống, nguy cơ dẫn đến tình trạng thổi giá, lừa đảo và những biến động bất thường của thị trường bất động sản mà chúng ta đã chứng kiến vừa qua", ông Đính nhận định.

Mặt khác, tình trạng nở rộ các "giám đốc sàn tự phong" cũng khiến nhiều sàn bất động sản lớn đau đầu. Theo ông Vũ Cương Quyết, CEO CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh Miền Bắc, tình trạng này bát nháo môi giới bất động sản, sàn bất động sản tự phong cũng gây không ít khó khăn cho các sàn lớn trong việc quản lý thương hiệu doanh nghiệp và khiến người mua như bị lạc trong "mê hồn trận". 

Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 79 Luật kinh doanh bất động sản 2014, cùng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Đa số mọi người nhìn nhận nghề môi giới bất động sản chủ yếu là nghề bán hàng, có thể làm giàu nhanh chỉ cần tìm kiếm, mời chào được người mua và có thể dễ dàng gia nhập cũng như rời đi mà không có nhiều ràng buộc gì. Nhưng nghề môi giới bất động sản là một công việc chuyên nghiệp, cần có sự hiểu biết về pháp luật, các điều khoản trong hợp đồng mua bán, những kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Dù đã có quy định về việc bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề mới được hoạt động môi giới bất động sản, tuy nhiên, lượng môi giới tự phát vẫn còn rất đông đảo và gây nhiễu loạn thị trường.

Theo quy định của pháp luật, điều kiện để hành nghề môi giới bất động sản là phải có Chứng chỉ hành nghề, như vậy mới bước đầu đảm bảo được những người tham gia môi giới trong thị trường là những người có kiến thức, có mức độ cam kết nhất định với nghề nghiệp, muốn phát triển và làm việc lâu dài trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác thanh tra kiểm tra hoạt động môi giới, đặc biệt là môi giới tự do đang không được chú trọng trong khi số lượng sàn kinh doanh bất động sản và người môi giới tăng nhanh, rất khó quản lý, vậy nên mới để xảy ra tình trạng có đến gần 90% môi giới hiện nay hoạt động mà không có Chứng chỉ hành nghề, gián tiếp để lại những hệ lụy như: môi giới lừa đảo, môi giới bắt tay với chủ đầu tư đẩy giá bất động sản gây nên những cơn sốt đất…

Bên cạnh đó, do là công việc mang tính thời vụ, nhiều môi giới viên vì mục tiêu doanh số và bán hàng, đôi khi cung cấp thông tin sai sự thật về dự án, ví dụ sai về tên dự án, nhái theo các dự án thành công. Một trường hợp nữa là khi bán chung cư cao cấp, khách hàng hỏi có chỗ đỗ xe không, tuy không đủ chỗ, nhưng môi giới thường nói sai sự thật về chỗ đỗ xe, khi cư dân về không có chỗ đỗ, gây ra tranh chấp với chủ đầu tư và lúc này môi giới không còn trách nhiệm.

“Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trực tiếp quản lý cần đẩy mạnh hơn việc đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới, quản lý sàn bất động sản cho các đối tượng hành nghề. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Kinh doanh bất động sản cũng cần được thực hiện thường xuyên hơn” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • [eMagazine]

    [eMagazine] "Bàn tay hữu hình" dẹp cơn sốt đất

    06:00, 18/05/2021

  • “Kẻ cười người mếu” khi cơn sốt đất đi qua

    “Kẻ cười người mếu” khi cơn sốt đất đi qua

    06:00, 17/05/2021

  • Dẹp triệt để nạn “sốt đất ảo”: Cần các giải pháp đồng bộ

    Dẹp triệt để nạn “sốt đất ảo”: Cần các giải pháp đồng bộ

    18:38, 16/05/2021

  • Quý I/2021: Doanh nghiệp địa ốc bội thu nhờ ăn theo “sốt đất”

    Quý I/2021: Doanh nghiệp địa ốc bội thu nhờ ăn theo “sốt đất”

    04:00, 05/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KIỂM SOÁT CƠN SỐT ĐẤT: Quản lý nghiêm hoạt động môi giới bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO