Kiểm soát ô nhiễm không khí phải “mạnh tay” như bia, rượu

Diendandoanhnghiep.vn “Ước gì” việc thanh tra, kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm không khí cũng có được một Nghị định 100 như rượu, bia.

TS.Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam chia sẻ tại cuộc Tọa đàm đối thoại chính sách “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm môi không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”, do trường Đại học KTQD tổ chức sáng 14/1.

Tọa đàm đối thoại chính sách “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm môi không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”. Ảnh: Nguyễn Việt

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm đối thoại chính sách “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm môi không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Tùng đánh giá, việc thanh tra các nguồn gây ô nhiễm môi trường không hiệu quả, người xả thải hoặc gây ô nhiễm không biết sợ. Có 3 điểm bất cập khi thanh tra môi trường ông Tùng nêu ra, một là báo trước các đơn vị khi thanh tra. Hai là, chỉ phạt được một lần trong một năm. Ba là, phạt theo hành vi.

Phạt 2 tỷ đồng vẫn còn ít

“Với hình thức phạt theo hành vi, nếu có bị phạt đến 2 tỷ đồng thì cũng còn ít hơn rất nhiều khi phải đầu tư cho một hệ thống xử lý khí thải. Một hệ thống xử lý khí thải có thể lên tới vài chục triệu USD, trong khi mức phạt chỉ có 2 tỷ đồng, gần 100.000 USD, thì người sản xuất sẵn sàng nộp phạt mà nhất quyết không đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường”, ông Tùng nói.

Vẫn theo ông Tùng, về xử lý việc gây ô nhiễm môi trường hay không khí, tại một số nước có biện pháp phạt theo ngày. Ví dụ, hôm nay bị xử phạt 50.000 USD, hôm sau vẫn vi phạm thì lại tiếp tục nộp phạt 50.000 USD. Và đến khoảng 10 ngày sẽ khiến người sản xuất ngay lập tức bị “khó thở” và cảm thấy sợ vì số tiền phạt. “Nếu áp dụng hình thức phạt theo ngày, chắc chắn cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phải đóng cửa hoặc phá sản nếu tiếp tục gây ô nhiễm”, ông Tùng khẳng định.

Ngoài ra, tính giải trình của các cán bộ thực thi công vụ, các cơ quan quản lý và chính quyền còn yếu. Cán bộ không đi kiểm tra tình trạng ô nhiễm cũng không bị xử lý trách nhiệm. Đơn cử, tình trạng ô nhiễm không khí tại các làng nghề ngay cạnh Hà Nội đang ở mức báo động, nhưng không thấy tổ chức hay cán bộ quản lý nào bị khiển trách hay kiểm điểm.

Do đó, ông Tùng kiến nghị cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý những người gây ô nhiễm môi trường, cũng như người có trách nhiệm giám sát, kiểm tra người gây ô nhiễm. Thực tế, đã có nhiều bộ, ngành đã đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng theo ông Tùng thì vẫn chưa “đủ tầm”.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường, trường ĐH KTQD đánh giá, ô nhiễm không khí chủ yếu do hoạt động kinh tế của con người gây ra, từ sản xuất đến tiêu dùng. Cho nên, để giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách có hiệu quả, cải thiện sức khỏe, đời sống người dân, cộng đồng dân cư một cách bền vững, thì chính sách kinh tế tài chính giữ một vị trí rất quan trọng và phải được thực hiện lồng ghép toàn diện, đầy đủ với các biện pháp quản lý hành chính.

“Giảm thiểu ô nhiễm không khí đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, cần làm ngay không chậm trễ và có sự phối hợp cùng nhau. Phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, chuyển đổi cơ cấu ngành sản xuất, thu hút FDI thế hệ mới…”, ông Đạt bày tỏ.

Luật còn “bỏ trống”

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, luật về kiểm soát ô nhiễm không khí còn đang bị “bỏ trống”. Trong khi, tại nhiều nước đã có luật không khí, do đó trong tương lai Việt Nam cũng cần có một bộ luật về môI trường. Trong đó bao gồm luật ô nhiễm không khí, luật rác thải, luật khí thải…thì mới hy vọng kiểm soát và dẫn đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm như hiện nay.

Theo một số nghiên cứu, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam (chiếm từ 5-7% GDP). Theo Báo cáo Chỉ số năng lực môi trường năm 2018 (EPI), Việt Nam xếp thứ 132 trong số 180 nền kinh tế về thành tích môi trường nói chung, chất lượng không khí đứng thứ 159, cường độ phát thải xếp hạng 141, sức khỏe môi trường đứng thứ 129 và thành tích về môi trường năm 2018 thua rất nhiều nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, hủy hoại hệ sinnh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu. Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và làm đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Nhìn nhận vấn về ô nhiễm không khí dưới góc nhìn kinh tế, PGS TS. Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Đại học KTQD) cho rằng, xuất phát từ cấu trúc và hình dạng của mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang thâm dụng tài nguyên, coi đó là "cứu cánh" cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, thường có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tăng trưởng và ưu tiên gia tăng nguồn lực sản xuất, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hệ lụy là đã có nhiều dự án trả giá đắt về ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.

PGS.TS Đinh Đức Trường chỉ ra 4 nguồn thu chính có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đó là: thuế carbon; phí ô nhiễm môi trường; trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP) - trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Các khoản thu này cần được sử dụng để chi cho giám sát và hệ thống xử lý vi phạm; đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát ô nhiễm không khí phải “mạnh tay” như bia, rượu tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711723740 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711723740 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10