Ô nhiễm không khí: Phòng “bệnh” phải từ “gốc”

Diendandoanhnghiep.vn Thông tin chiều nay (19/12), Bộ TN-MT cùng với các bộ ngành họp bàn các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí nhận được sự quan tâm của dư luận.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hưng.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hưng.

Nhiều ý kiến bày tỏ kỳ vọng sau cuộc họp, sẽ có những giải pháp cụ thể, ngay lập tức và những giải pháp lâu dài nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay.

Được biết, đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Bộ Nội vụ, Thông tin Truyền thôn, Bộ Y tế cùng hai TP Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ cùng tham dự.

Phiên họp sẽ tập trung thảo luận về tình hình thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Đồng thời, phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn.

Ở góc độ là người dân, xin được đưa ra vài suy nghĩ, ý kiến của mình trước thềm cuộc họp.

Có thể thấy, các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đã được chỉ ra rất nhiều lần.

Cụ thể, tại TP HCM, tác nhân chính được xác định là xe máy. Còn tại Hà Nội, nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí được xác định khá rộng: hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp, đốt rơm rạ… thường xuyên tạo ra lượng phát thải mang tính liên tục. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn.

Thực tế đã có khá nhiều giải pháp lớn nhỏ, cấp bách, dài hạn được đưa ra, nhưng không hiểu vì lý do gì, bầu không khí không những không giảm bớt ô nhiễm mà mỗi ngày đọc báo hay bằng mắt thường quan sát lại thấy hoang mang hơn bởi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng khủng khiếp.

Nhìn lại những năm qua, có thể thấy, tình trạng ô nhiễm không khí tại nước ta đã được báo động từ nhiều năm trước.

Cụ thể, từ năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê Hà Nội có gần 300 ngày ô nhiễm không khí mỗi năm và hơn 60.000 ca tử vong do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Niên giám thống kê của Bộ Y tế năm đó kết luận, 10 bệnh mắc và 10 bệnh chết nhiều nhất tại các cơ sở y tế là nhóm bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tim mạch.

Năm 2018, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phỏng vấn 1.400 người Việt Nam trên 18 tuổi với câu hỏi vấn đề xã hội nào đang ám ảnh họ nhất. Kết quả, ô nhiễm không khí xếp thứ hai với 17% câu trả lời, chỉ sau nạn thất nghiệp với 24%. 

Cũng trong năm 2018, Chỉ số hiệu suất môi trường (EPI) của Ngân hàng Thế giới xếp hạng chất lượng không khí Việt Nam ở vị trí 159 trên 180 nước.

Ngày 1/10/2019, AQI tại điểm đo Hoàn Kiếm là 180, mức kémBên trong trụ sở UBND, Hà Nội lần đầu lên tiếng về các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. 

Và đến những tháng cuối năm 2019, hàng loạt "kỷ lục ô nhiễm không khí" được ghi nhận.

Ngày 7/11, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội công bố chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 200 - mức ô nhiễm xấu, duy trì 4 ngày liên tiếp.

Ngày 12/11, AQI trên 300 - mức nguy hại. Thành phố khuyến cáo người dân tránh thể dục ngoài trời buổi sáng, đóng cửa sổ và hạn chế ra đường.

Và mới đây nhất là đợt ô nhiễm từ 7-13/12, đặc biệt là trong các ngày 10 - 13/12 chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300).

Theo đánh giá của Bộ TN-MT, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay, nhìn chung, có xu hướng tăng.

Trong các ngày từ 7/12 đến 12/12, tại Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, TP HCM đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép.

Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần.

Điểm lại những mốc thời gian như vậy để thấy rằng, ô nhiễm không khí đã hiển hiện ở nước ta từ rất lâu rồi. Và dường như chúng ta chưa thật sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Do đó, mức độ ô nhiễm tích tụ từng ngày, ngày càng khủng khiếp và lan rộng ra nhiều tỉnh tình trong cả nước.

Ở thời điểm hiện tại, để hạn chế, giảm thiểu tình trạng này, ngoài việc ngoài những khuyến cáo để người dân nắm thông tin và chủ động đối phó, cơ quan chức năng cần thành lập ban thông tin với các chuyên gia thường trực để khuyến nghị người dân chi tiết hơn những khu vực bị ô nhiễm, mức độ ô nhiễm.

Bên cạnh đó, ngay lúc này, cần bắt tay vào thực hiện các chương trình ngắn hạn như rà soát lại các nguồn gây ô nhiễm và xem xét các yếu tố nào có thể xử lý ngay lập tức; Bố trí xe rửa đường đối với các con đường nhiều bụi.

Đặc biệt, cần tạm dừng các công trình thi công hay các nhà máy nghi là nguồn gây ô nhiễm lớn trong những ngày mức độ ô nhiễm lên cao, đặt hạn mức với lượng than tiêu thụ cho các cửa hàng nhằm giảm lượng than đốt bếp trên toàn quốc…

Để "giải cứu" được môi trường đang ô nhiễm như hiện tại, các giải pháp đưa ra có thể phải thực hiện hàng chục năm, thậm chí nhiều thời gian gian hơn nữa.

Do đó, bên cạnh các giải cấp bách, ngắn hạn, cần phải có những giải pháp bền vững, lâu dài và phải được thực hiện đồng bộ ở nhiều tỉnh thành, thậm chí phải phối hợp với nhiều quốc gia láng giềng cũng như với các chương trình môi trường của Liên hiệp quốc.

Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã có tư duy “phòng bệnh hơn chữa bệnh” khi chăm sóc sức khoẻ, bởi phòng bệnh có chi phí rẻ hơn chữa bệnh, đó là lợi ích kinh tế - xã hội và cho từng cá nhân.

Nhìn rộng ra, đối với công tác phòng chống khói bụi và ô nhiễm môi trường sống cũng nên tuân theo quy luật "phòng hơn chống" và phòng phải từ gốc mới thật sự có hiệu quả.

Theo đó, để "trị từ gốc", với các nguyên nhân gây ô nhiễm đã được “điểm danh”, cần rà soát lại và kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm này, tùy từng yếu tố để có những biện pháp cụ thể.

Cụ thể, để giảm thiểu ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông, cần có biện pháp giảm lượng xe gây ô nhiễm, nâng cao tiêu chuẩn đối với khí thải xe, tích cực hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng để giảm lượng xe cá nhân, thậm chí có thể tính tới giải pháp di dời dân số đến các khu vực mật độ còn thấp, và tiến dần đến loại bỏ dần xe máy.

Đối với nguyên nhân là khí thải, rác thải từ các nhà máy, cần làm nghiêm khâu đánh giá tác động môi trường, thanh tra hoạt động xử lý chất thải, tăng mức phạt thật nặng với các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần "nói không" đối với các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm lớn như nhiệt điện; hạn chế chặt cây và trồng thêm nhiều cây xanh…  

Đối với các công trình xây dựng, cần nâng cao các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, chẳng hạn yêu cầu che chắn toàn bộ công trình khi thi công, phun rửa xe và bánh xe sạch sẽ trước khi ra khỏi công trường, phạt nặng xe chở vật liệu không đảm bảo yếu tố an toàn cho môi trường…

Tất nhiên, cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, không thể không có sự đồng lòng thực hiện của toàn bộ nhân dân. Do đó, cần phải truyền thông sao để người dân ý thức được mỗi hành động nhỏ bảo vệ môi trường chính là mỗi viên gạch xây bức tường thành môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống vững chắc.

Từng người dân cần nghiêm túc tuân thủ các tiêu chuẩn về xả rác, đốt rác, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, nỗ lực giảm thải khi có thể.

Có thể khẳng định, cuộc họp chiều nay sẽ là một cuộc họp vô cùng quan trọng, bởi ở đó, hội tụ của rất nhiều những bộ, ngành quan trọng. Với những tiếng nói, trí tuệ của các tư lệnh ngành, chắc chắn, nhiều giải pháp khả thi cả ngắn và dài hạn sẽ được đưa ra.

Vẫn biết, ở điều kiện hiện tại, quyết tâm, dồn sức "giải cứu môi trường" không phải chuyện đơn giản và có thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta cần phải khẩn trương thực hiện với quyết tâm lớn.

Nếu không thì không chỉ kinh tế mà mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là sức khỏe của nhân dân sẽ còn quặt quẹo, yếu ớt và đầy bất an hơn.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí: Phòng “bệnh” phải từ “gốc” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713573206 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713573206 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10