Sau Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, nhiều chuyên gia cho rằng, việc dán nhãn sinh thái thân thiện với môi trường là cần thiết…
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện với môi trường; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí.
Trước những nội dung trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu việc dán nhãn sinh thái các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện với môi trường được triển khai thực chất, sẽ là một giải pháp hữu ích để giảm thiểu phát sinh khí thải ô nhiễm, đặc biệt cần thiết đối với các phương tiện tham gia giao thông.
Thực tế, việc dán nhãn sinh thái thân thiện với môi trường được kỳ vọng không chỉ hướng các phương tiện giao thông phải áp dụng những biện pháp về cả nguyên liệu cho đến thiết bị, làm sao giảm thiểu việc phát sinh ra các khí thải ô nhiễm, mà còn khuyến khích các phương tiện chuyển việc sử dụng nhiên liệu lỏng sang khí sạch; khuyến khích phát triển các hệ thống thiết bị mà động cơ khi cháy hoàn hảo; chấm dứt sử dụng, vận hành các thiết bị, phương tiện quá cũ, quá hạn;…
Tuy nhiên, làm sao để có thể đạt hiệu quả như kỳ vọng? Thông tin với báo chí, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam chia sẻ, có hai hình thức dán nhãn sinh thái, thứ nhất là với những sản phẩm mới sản xuất ra, sau khi kiểm định chất lượng sản phẩm có thể dán nhãn được; thứ hai là cần kiểm soát khí thải của các phương tiện vận chuyển đang sử dụng, nếu đảm bảo được khí thải, phát thải thì có thể dán nhãn.
"Việc dán nhãn này chỉ có thời hạn nhất định, sau một thời gian phải kiểm định lại. Vì trong quá trình sử dụng sẽ có những hư hỏng hay gây ra những tác nhân mà nếu sử dụng sẽ gây nên ô nhiễm không khí", ông Dũng cho biết.
Đồng tình với quan điểm của ông Dũng, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, về mặt lý thuyết điều này hoàn toàn là điều tốt, nhưng trước hết phải làm rõ nhãn sinh thái là gì?
“Nhãn sinh thái nói một cách tổng quát nhất là một nhãn hàng được dán cho những mặt hàng thân thiện với môi trường theo nghĩa nào đó, nếu có nhãn này dán cho các loại xe là một điều tốt, nhưng vấn đề ở chỗ ai kiểm tra, ai dán, kiểm soát nó như thế nào mới là điều quan trọng”, ông Cơ nêu quan điểm.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, nếu việc dán nhãn sinh thái được thực hiện hiệu quả sẽ giúp cung cấp nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng sẽ loại bỏ các sản phẩm, phương tiện không tốt cho sinh thái.
Tuy nhiên, bà An cũng lưu ý: để thực hiện được việc dán nhãn sinh thái thân thiện với môi trường thì cần những tiêu chí, thiết bị đo rất chuẩn, từ người đo, công nghệ đo là công nghệ nào phải minh bạch, có giám sát chéo nếu không sẽ vô nghĩa, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xây dựng tiêu chí này càng sớm càng tốt, và cần có thời gian hoàn thành cùng với những tiêu chí cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí: Cần những giải pháp mạnh tay!
04:50, 20/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
19:27, 18/01/2021
Thu hồi xe cũ nát để kiểm soát ô nhiễm: Liệu giải pháp này có khả thi?
11:01, 16/01/2021
Thu hồi phương tiện cũ nát giảm thải ô nhiễm môi trường: Đúng nhưng khó thực hiện!
04:30, 08/01/2021