Bên cạnh việc đề xuất thu hồi phương tiện cũ nát, không dùng bếp than tổ ong, các chuyên gia cho rằng, cũng cần có giải pháp giám sát các công trình xây dựng, sản xuất công nghiệp…
Thời gian vừa qua, dư luận xã hội vô cùng quan ngại trước thực trạng các điểm quan trắc trong hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, TP. Hà Nội đều ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI ở ngưỡng xấu đến rất xấu (từ 150-160). Đáng nói, ở ngưỡng chỉ số như vậy không chỉ báo động về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe con người.
Mới đây, nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định số 985a/QĐ-TTg).
Cũng theo Chỉ thị, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện một số việc như: Kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí và tiến tới không sử dụng than, than tổ ong trong sinh hoạt ngay từ đầu năm 2021.
Từ thực tế trên cho thấy, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, theo các chuyên gia môi trường, thay vì tiếp tục để tình hình diễn biến ngày một phức tạp, cần ưu tiên các giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - Tổng thư ký Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng, thủ phạm gây ô nhiễm không khí tại các đô thị đầu tiên là sản xuất công nghiệp, xây dựng nhà cửa và phát thải từ xe cộ. Ngoài ba nguồn này, mật độ nhà cao tầng quá dày đặc làm nguồn gây ô nhiễm trở nên độc hại hơn do hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ vùng trung tâm thường cao hơn vùng ven từ 2-3 độ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều có tỉ trọng công nghiệp xây dựng rất cao, tỉ trọng đóng góp GDP của công nghiệp xây dựng vào tăng trưởng các đô thị rất lớn, trong khi để tăng trưởng được 1% GDP thì môi trường suy thoái 4%, vì vậy tất cả các đô thị đều phải tính toán giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.
Còn theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, với mức độ ô nhiễm của môi trường không khí ở đô thị như hiện nay, cần những giải pháp mạnh tay để chặn đứng hoặc giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm là điều cần triển khai khẩn trương và đồng bộ.
Ông Tùng cho rằng, về vấn đề giao thông, trước tiên cần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng. Có nhiều hình thức như tăng chất lượng, số chuyến, hình thức để nhân dân tiện lợi sử dụng, cần thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành để kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
“Hiện nay các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chưa thu hồi được những xe cũ nát do chưa có khuôn khổ pháp lý, do đó, cần phải đẩy nhanh, có cơ sở pháp lý cho vấn đề này”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng kiến nghị, Hà Nội cần giám sát chặt chẽ công trình xây dựng, có thể lắp camera ở các công trình lớn, dự án sửa sang đường phố... để giám sát.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
19:27, 18/01/2021
Thu hồi xe cũ nát để kiểm soát ô nhiễm: Liệu giải pháp này có khả thi?
11:01, 16/01/2021
Đề xuất kiểm soát khí thải hàng chục triệu xe máy: Lại lo phí chồng phí
04:30, 22/12/2020
Thu hồi phương tiện cũ nát giảm thải ô nhiễm môi trường: Đúng nhưng khó thực hiện!
04:30, 08/01/2021