Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chiến lược Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xứng đáng với tiềm năng phát triển của du lịch Kiên Giang.
Tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Kiên Giang.
Ông Bùi Quốc Thái, GĐ Sở Du Lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, những năm gần đây, Kiên Giang đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là Khu kinh tế Phú Quốc, đã thu hút được 335 dự án (gồm 08 dự án FDI), với quy mô 10.965 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 363.060 tỷ đồng, với 48 dự án đã đưa vào hoạt động với quy mô, 1172 ha, tổng vốn đầu tư 15.661 tỷ đồng.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chiến lược Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xứng đáng với tiềm năng phát triển của du lịch Kiên Giang, ông Thái cho rằng, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư của TW, của tỉnh về thuê đất, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, môi trường, hỗ trợ đào tạo lao động… để tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và cạnh tranh so với các địa phương khác trong cả nước, xứng đáng là điểm đến đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư. Sở đã triển khai có hiệu quả việc cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển du lịch Kiên Giang. Cụ thể, đã ban hành Bộ thủ tục hành chính của Ngành du lịch gồm 26 thủ tục, công bố, niêm yết theo quy định; Hàng năm, phối hợp tổ chức các cuộc Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Mặt khác, Sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới) theo hướng dẫn của Bộ VH, TT&DL, tham mưu UBND tỉnh áp dụng khung chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch (Travel&Tourism Competitiveness Index - TTCI), bao gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh - Enabling; Cải thiện chính sách và điều kiện kinh doanh du lịch-T&T Policy and Enabling Conditions; Cơ sở hạ tầng - Infrastructure; và Tài nguyên Thiên nhiên và Văn hóa - Natural and Cultural Resources để đánh giá kết quả nâng cao Năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch của tỉnh.
Theo các chuyên gia kinh tế thì, theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, Kiên Giang xác định có 04 vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng du lịch Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương; Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất; U Minh Thượng. Tuy nhiên, Phú Quốc là nơi thu hút phần lớn vốn đầu tư phát triển du lịch của cả tỉnh Kiên Giang. Tốc độ phát triển nhanh về thu hút đầu tư của Phú Quốc đã tạo nên sự phát triển chưa đồng đều cho các vùng du lịch. Từ đó, nó cũng đặt ra cho ngành du lịch nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự quản lý khoa học, khai thác, kêu gọi đầu tư, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, đồng bộ cho các vùng du lịch để phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế.
Đồng quan điểm trên, ông Thái nhìn nhận, đối với 03 vùng du lịch còn lại, mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên phát triển du lịch, nhưng công tác thu hút đầu tư du lịch còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi, chưa có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng kết nối, đặc biệt là kết nối với TP.HCM và Phú Quốc. Mâu thuẫn xung đột trong phát triển có thể nói là một vấn đề rất lớn đặt ra cho các nhà đầu tư muốn đầu tư phát triển du lịch ở địa bàn này. Đó là xung đột giữa phát triển công nghiệp khai thác đá để sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng với việc bảo tồn hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi (dạng địa hình duy nhất không chỉ ở Kiên Giang mà còn của toàn vùng ĐBSCL) nơi có số lượng các loài sinh vật quý hiếm và đặc hữu rất lớn, là tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu trong vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang. Cũng là xung đột giữa phát triển nuôi trồng thuỷ sản với bảo tồn sinh cảnh đồng cỏ bàng còn tồn tại duy nhất ở Tứ giác Long xuyên, nơi Sếu đầu đỏ hàng năm về kiếm ăn.
Ngoài ra, việc săn bắt và thu hái các loài sinh vật hoang dã, đánh bắt các loài sinh vật biển quý hiếm để phục vụ mưu sinh cũng tác động tiêu cực tới bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái ở 02 vùng lõi là rừng phòng hộ Hòn Đất - Kiên Hà và Vườn quốc gia U Minh Thượng. Đây là Vườn Di sản ASEAN và Khu bảo tồn đất ngập nước RAMSAR của khu Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang… Đây cũng là vấn đề đặt ra không chỉ đối với phát triển du lịch bền vững ở khu vực Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng mà còn tác động đến phát triển du lịch chung của Kiên Giang và vùng ĐBSCL.