Chỉ số CCHC vừa qua của Kiên Giang bị xếp hạng thấp nhất cả nước 63/63 tỉnh, thành là thách thức lớn đối với mục tiêu UBND tỉnh Kiên Giang đặt ra cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đó là chia sẻ của ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Kiên Giang: Quyết tâm tạo bước đột phá từ cải cách hành chính
Kiên Giang đặt mục tiêu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động và các doanh nghiệp có quy mô lớn, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế…
- Thưa ông, Kiên Giang lại là một trong những tỉnh, thành có số doanh nghiệp thành lập khá nhiều (gần 11 nghìn doanh nghiệp thành lập năm 2021), vậy để hiện thực hoá mục tiêu trên, Kiên Giang cần những giải pháp rất cụ thể?
Để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, Tỉnh Ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp nổ lực thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách TTHC…
Cụ thể, tỉnh tiếp tục cắt giảm thời gian đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày xuống 1,5 ngày và đang phấn đấu rút ngắn xuống còn 1 ngày; thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định là 3 ngày, chúng tôi đang phấn đấu chỉ 0,5 ngày. Lĩnh vực đăng ký đầu tư, tỉnh rút ngắn thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư còn 30 ngày (giảm 5 ngày so quy định)…
Bên cạnh đó, cứ 2 lần/năm, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại doanh nghiệp, thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đối với địa bàn TP.Phú Quốc, hiện có số lượng doanh nghiệp và dự án đầu tư nhiều nhất tỉnh, định kỳ mỗi quý UBND tỉnh tổ chức Đoàn công tác trực tiếp làm việc, đối thoại giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, tỉnh giao các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố tổ chức gặp gỡ, đối thoại định kỳ hàng tháng với doanh nghiệp để xử lý, tháo gỡ sớm nhất các khó khăn doanh nghiệp gặp phải. Đặc biệt, vừa qua tỉnh đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử Hỗ trợ doanh nghiệp tại địa chỉ https://hotrodoanhnghiep.kiengiang.gov.vn
- Chuyển đổi số là một trong những giải pháp tăng năng suất lao động cũng như tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là lĩnh vực doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của địa phương, thưa ông?
Chúng tôi xác định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Vì vậy UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 22/2022 về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Với tham vọng: Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%...
Để hiện thực hoá các mục tiêu này, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cung cấp dữ liệu, thông tin chia sẻ, dữ liệu mở, hệ sinh thái nội dung số cho xã hội, nền kinh tế, các doanh nghiệp công nghệ…
Mặt khác, tỉnh tạo điều kiện thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… tăng cường nghiên cứu các công nghệ số, phát triển các nền tảng số, hoạt động dữ liệu số nhằm tạo ra các dịch vụ nội dung số phục vụ xã hội, phát triển nền kinh tế số. Tỉnh ban hành tiêu chí đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số của doanh nghiệp.
- Với mục tiêu đưa tỉnh trở lại TOP khá trong xếp hạng PCI, đặc biệt là mục tiêu TOP10, vậy Kiên Giang sẽ bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Để thực hiện mục tiêu trên, từ năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 174 về cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Tỉnh đề ra 5 giải pháp triển khai thực hiện từ năm 2022 đến 2025. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện 3 nhóm vấn đề là CCHC với thái độ phục vụ "làm hết việc, không hết giờ"; công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình…
Với quyết tâm cải thiện thứ hạng, từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã thành lập Tổ kiểm tra về CCHC do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng và Tổ kiểm tra kỷ luật kỷ cương công vụ do đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp kiểm tra các cơ quan, đơn vị và địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò Tổ 770 của UBND tỉnh trong việc theo dõi, đôn đốc, chấn chỉnh tiến độ thực hiện nhiệm vụ được Chủ tịch, các Phó Chủ tịch giao cho các Sở, ban, ngành và địa phương tại cuộc họp giao ban UBND tỉnh hàng tháng. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương; bước đầu đã có chuyển biến rất tích cực..
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm