Kinh tế địa phương

Kiên Giang: Sáng tạo cải cách mới, quyết tâm nâng hạng PCI

Khắc Lãng thực hiện 17/10/2024 17:38

Kiên Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh phải tăng điểm, tăng hạng , trở thành tỉnh có thứ hạng cao của cả nước.

lam minh thanh

Kiên Giang đặt quyết tâm cao nhất, tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề là “Cải cách hành chính, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình”, hướng tới mục tiêu chỉ số PCI năm 2024 phải tăng trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước.

Đó là chia sẻ của ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang với PV DĐDN. Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh, những tháng đầu năm 2024 Kiên Giang đã đạt được thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật.

6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của Kiên Giang ước đạt 6,84%, tăng 0,47% so cùng kỳ, vượt 0,14% so Nghị quyết đề ra; 750 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký 5.314,2 tỷ đồng, đạt 50% về số lượng (tăng 2% so với cùng kỳ)… Đây chính là nền tảng, động lực để tỉnh kỳ vọng bước chuyển mình mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- Nhiều hành động, chính sách của tỉnh cho thấy sự quyết tâm rất lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, đâu là “nút thắt” khiến ông còn trăn trở?

Đánh giá một cách thẳng thắn, Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Kiên Giang (PCI) năm 2023 không đạt như kỳ vọng, mặc dù tiềm năng, dư địa của tỉnh rất lớn và các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 đạt và vượt so với kế hoạch.

Nguyên nhân do một số sở, ngành, địa phương chưa tập trung quyết liệt trong công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao về nâng cao PCI. Đặc biệt là đối với các sở, ban, ngành được giao chủ trì các chỉ số thành phần chiếm trọng số lớn, có điểm số giảm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thật sự quan tâm đúng mức khi tiếp nhận và cho ý kiến đối với phiếu khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- Vậy lời giải bài toán là gì để tỉnh đạt được mục tiêu “trở lại đường đua” và nằm trong top các tỉnh có thứ hạng PCI khá, thưa ông?

Trước hết, tỉnh tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: “Cải cách hành chính”; “Công khai minh bạch”; “Trách nhiệm giải trình” với quyết tâm cao nhất nhằm đạt mục tiêu chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh phải tăng điểm, tăng hạng và trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước. Từ đó, làm tiền đề để tiếp tục phấn đấu lên nhóm các tỉnh được xếp hạng cao của cả nước trong giai đoạn đến năm 2030.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao các chỉ số đo lường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp chính quyền địa phương, như: Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố (DDCI).

Hoàn chỉnh hạ tầng thông tin để xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình kết nối, liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện công khai, minh bạch chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, TTHC, chính sách mới ban hành; thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tận dụng tối đa các cơ hội đầu tư.

Tỉnh tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa quy trình TTHC, chú trọng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đảm bảo thời gian giải quyết TTHC đúng và trước hạn theo quy định cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt chúng tôi yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo môi trường năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số PCI, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân…

Với những giải pháp nêu trên, chúng tôi tin tưởng Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Kiên Giang năm 2024 sẽ có những cải thiện tích cực so với năm 2023.

- Được biết, tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, với cương vị người đứng đầu chính quyền, ông đã đưa ra những sáng kiến đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận giúp doanh nghiệp phát triển. Đây có lẽ là bước đi quyết định của tỉnh, thưa ông?

Chúng tôi đưa ra các sáng tạo cải cách mới như: Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách tại các sở, ngành, địa phương tùy theo điều kiện ít nhất 02 lần/tháng; gây quỹ hỗ trợ doanh nghiệp…

Đối với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết, yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải khẩn trương xem xét giải quyết, tổ chức thực hiện, có văn bản trả lời cho doanh nghiệp và công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. UBND tỉnh sẽ làm việc trực tiếp và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các kiến nghị còn chưa thỏa đáng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp...

Các vấn đề vượt thẩm quyền đề xuất ngay với UBND tỉnh giải quyết thông qua cuộc họp định kỳ 02 lần/tháng của Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh định kỳ trước tháng 6 và tháng 11 hằng năm. Đối với các kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của tỉnh thì ghi nhận, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền giải quyết...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiên Giang: Sáng tạo cải cách mới, quyết tâm nâng hạng PCI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO