Tỉnh Kiên Giang đã và đang tái khởi động xúc tiến đầu tư với Ấn Độ nhằm nâng cao nhận thức về cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào Kiên Giang.
Trong tháng 7, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã phối hợp với Tổ chức Tư vấn đầu tư và Thương mại của Ấn Độ và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức 2 tọa đàm trực tuyến: “Tái khởi động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam hậu COVID-19” và ý tưởng “Công viên Dược phẩm”.
Trên thực tế, tỉnh Kiên Giang có nhiều tiềm năng, thế mạnh phù hợp với khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ.
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, cho biết cơ cấu kinh tế của tỉnh Kiên Giang gồm: Công nghiệp và xây dựng chiếm 20,65%, dịch vụ: 42,67 %, Nông - lâm - thủy sản: 32,74%. Nguồn nhân lực với dân số hơn 1,7 triệu người (năm 2020), tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 55%; Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động được học nghề là 67% và tỷ lệ hoàn thành chương trình đạo tạo nghề có chứng chỉ là 50%. Kiên Giang có tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 3,05%, với tổng sản phẩm bình quân đầu người 2.418USD/năm, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 7,23%.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM đánh giá cao Việt Nam đã xử lý rất tốt những đợt dịch COVID-19 vừa qua và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục xử lý tốt đợt dịch bùng phát lần này tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Cũng theo ông Madan Mohan Sethi, sự ổn định chính trị, lực lượng lao động có trình độ và tay nghề, cơ sở hạ tầng thiết yếu dần hoàn thiện cùng với chính sách kêu gọi đầu tư... đã giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài với trên 29 tỷ USD trong năm qua. Các ngành như: nông nghiệp thông minh, sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, du lịch, khách sạn và công nghệ thông tin là nơi các doanh nghiệp Ấn Độ có thể nghiên cứu đầu tư.
Phát triển lĩnh vực biển, nông nghiệp, khách sạn và du lịch... là những lĩnh vực ở tỉnh Kiên Giang mà các doanh nghiệp Ấn Độ có thểđầu tư, đó là khuyến nghị của Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM.
“Nhà đầu tư Ấn Độ nên tìm hiểu, quan tâm đến những lĩnh vực tiềm năng rất lớn của tỉnh Kiên Giang như: phát triển lĩnh vực biển, nông nghiệp, khách sạn và du lịch”, ông Madan Mohan Sethi nhấn mạnh.
Về ý tưởng xây dựng “Công viên Dược phẩm”, nhóm doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ có mong muốn khắc phục điểm yếu về nguồn cung dược liệu trong chuỗi sản xuất dược tại Việt Nam; đồng thời sẽ mời thêm một số công ty dược khác từ Ấn Độ, Mỹ và các nước Châu Âu xây dựng nhà máy sản xuất tại đây. Để ý tưởng “Công viên Dược phẩm” trở thành hiện thực, các nhà đầu tư Ấn Độ cho rằng địa điểm Công viên Dược phẩm phải gần các cảng biển nhưng không quá xa thành phố và có hạ tầng giao thông tốt để thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm; Diện tích đất sạch với diện tích lý tưởng từ 500-1.000 ha (tối thiểu 300 ha) cùng những ưu đãi cho xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh từ chính quyền; Nguồn cung năng lượng không gián đoạn, nguồn nước sạch đảm bảo sản xuất; Nguồn cung nhân lực dồi dào với chi phí hợp lý… Đây là lĩnh vực mà Kiên Giang có thể triển khai.
Ngoài ra, bà Nguyễn Duy Linh Thảo mong muốn, khi đại dịch COVID-19 toàn cầu được khống chế, đường bay quốc tế Ấn Độ - Việt Nam được mở lại, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang sẽ phối hợp với Tổng Lãnh Sự Quán Ấn Độ tổ chức những tours khảo sát cho công ty du lịch Ấn Độ tới Phú Quốc tìm hiểu cho việc xúc tiến, quảng bá cho khách du lịch Ấn Độ tới Phú Quốc.
Năm 2018, UBND tỉnh Kiên Giang cử Đoàn công tác của tỉnh và doanh nghiệp tới Hyderabad và New Delhi ở Ấn Độ; đồng thời Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. HCM cũng đã hỗ trợ thu xếp nhiều chương trình làm việc cho đoàn với các doanh nghiệp Ấn Độ ngành thủy sản & nông nghiệp công nghệ cao tại Hyderabad. Trong đó, đoàn Kiên Giang đã tổ chức Gala Dinner giới thiệu du lịch Phú Quốc và giao lưu trao đổi thông tin du lịch Phú Quốc với các công ty du lịch Ấn Độ ở New Delhi để xúc tiến du lịch Ấn Độ tới Phú Quốc.
Năm 2020, Tổng Lãnh sự quán Ấn độ đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch 2 bên. Theo đó, Công ty ION Exchange của Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ đầu tư 100% FDI vào dự án Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Rạch Giá có quy mô đầu tư 550ha, với vốn đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng. Dự án đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khu vực TP. Rạch Giá. Công ty ION Exchange hiện nay đang xúc tiến các bước khảo sát kỹ thuật và tài chính cho dự án này.
Có thể bạn quan tâm