Năm 2024 tỉnh Kiên Giang khoảng trên 10.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương trên 8.800 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương trên 1.200 tỷ đồng...
Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khoảng trên 10.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương trên 8.800 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương trên 1.200 tỷ đồng. Trong năm 2024 UBND tỉnh Kiên Giang quyế tâm giải ngân vốn đầu tư công trên 95%.
Cũng như mọi năm, 6 tháng đầu năm tiến độ giải ngân các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh thường diễn ra rất ì ạch do chờ đợi nhiều thủ tục. Đã vậy năm 2024 này tỉnh Kiên Giang còn chịu nhiều áp lực về số vốn đầu tư tăng hơn mọi năm trên 35%, tình hình khan hiếm về cát xây dựng và biến động giá vật tư xây dựng rất phức tạp.
Do vậy ngay từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Lâm Minh Thành đã thường xuyên đi kiểm tra thực tế các công trình lớn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang như: công trình đường ven biển, đường Hồ Chí Minh, cầu cống ngăn mặn, Quảng trường trung tâm và Tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc, công trình lưới điện 110kV - 220kV cấp điện cho TP Phú Quốc, Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, cảng biển hành khách Rạch Giá…
Ngoài các chuyến đi thực tế, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên họp giao ban định kỳ hàng tháng về công tác triển khai các dự án đầu tư công. Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thường xuyên yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án tổng hợp báo cáo các trường hợp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đề xuất hướng xử lý để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thi công đạt yêu cầu và thời gian đề ra. Trong đó ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại một số địa phương đang có dự án trọng điểm như TP Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương, Phú Quốc...
Theo ông Huỳnh Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, hiện nay tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tỉ lệ cao là do cơ chế, chính sách ban hành chưa kịp thời và đầy đủ để thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Việc giao kế hoạch vốn các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, nhiều dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nhỏ lẻ, nằm ở vùng sâu, vùng xa. Giá một số nguyên vật liệu tăng cao, nhất là cát sang lấp khan hiếm nguồn cung…
Ngoài ra, những tồn tại hạn chế cố hữu trong giải ngân vốn đầu tư công những năm qua là không ít các sở, ban, ngành và địa phương, đơn vị được giao quản lý vốn nhưng chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu vì sợ trách nhiệm, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đáng kể nhất là công tác đấu thầu xây dựng và chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, đo đạt, thẩm định giá… Bên cạnh đó sự phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành trong công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt dẫn đến hộ dân thưa kiện kéo dài, thiếu các khu bố trí tái định cư...
Theo Báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, đến hết tháng 3 đã phân khai vốn 7.451/10.026 tỷ đồng, đạt 74,32% Nghị quyết HĐND tỉnh giao, đạt 98,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã giao 100% kế hoạch vốn và vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đang trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Tuy nhiên công tác triển khai dự án với giá trị giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay chỉ hơn 612 tỷ đồng, đạt 5,69% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 4,38%. Theo đó, so với năm 2023, kế hoạch đầu tư công năm 2024 tăng hơn 4.386 tỷ đồng, phần nào ảnh hưởng chung đến khả năng giải ngân vốn của tỉnh, một số dự án đến nay chưa đủ thủ tục để giao vốn.
Ngay khi đó, UBND tỉnh đã hối thúc đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án chuyển tiếp của năm 2023 như: Đường bộ ven biển Rạch Giá - Hòn Đất, Hòn Đất - Kiên Lương, đường 3/2 nối dài, Cảng hành khách Rạch Giá, xây dựng 18 cống trên tuyến đê biển và ven biển, Bệnh viện Ung bướu tỉnh, nhiều cầu giao thông... Tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm có sức lan tỏa. Khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt danh mục dự án và phân khai chi tiết kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời UBND tỉnh tăng cường kỷ luật, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn đầu tư... Các chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải có kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán. Phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc đảm bảo tiến độ, đúng quy định. Chú trọng nâng cao chất lượng việc lập các hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư, không để xảy ra tình trạng chỉ định thầu các đơn vị tư vấn năng lực yếu kém thực hiện không đạt yêu cầu phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác phối hợp, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là tại một số địa phương đang có dự án trọng điểm. Tập trung xử lý dứt điểm việc bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn vướng mắc trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm