VSEA kiến nghị Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch.
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch.
Theo VSEA việc hạn chế phát triển điện mặt trời là hoàn toàn đi ngược với xu thế của thế giới, bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng đầu tư mới.
Cụ thể, theo VSEA xu hướng thế giới ngày nay là cắt giảm ngay và chấm dứt nhiệt điện than. Tại nhiều diễn đàn quốc tế của Liên hợp quốc, đặc biệt Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu 2021 - COP26, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hội nghị COP26 đã kêu gọi ngừng sử dụng nhiệt điện than, đa số các quốc gia đã hưởng ứng và cam kết thực hiện việc thay thế nhiệt điện than bằng các nguồn năng lượng tái tạo.
Mặc dù đã được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng 16/34 dự án điện than vẫn không đi vào vận hành đúng tiến độ.
Cùng với đó, tiếp cận tài chính của các dự án điện than đã khó nay càng khó hơn. Nhiệt điện than cũng ngày càng đắt đỏ với các chính sách tăng cường bảo vệ môi trường đang được xây dựng và sắp được ban hành như Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn phát thải thắt chặt hơn.
Trong khi đó, các dự báo và khuyến nghị mới nhất của các cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đều chỉ ra rằng điện mặt trời sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh trong thập kỷ tới. Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời sẽ dẫn tới vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh về sự chậm chễ trong chính sách.
Theo VSEA, Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn và là loại hình năng lượng huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về thúc đẩy phân cấp phân quyền.
VSEA khuyến nghị Chính phủ nên có giải pháp chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng bày tỏ được tham gia vào đầu tư xây dựng lưới điện giải toả công suất cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư băn khoăn là cơ chế quản lý và sử dụng hạ tầng này hiện chưa được quy định rõ ràng, nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư.
Về thị trường điện cạnh tranh, cần xác định tiến độ và mốc hoàn thành Thị trường bán lẻ cạnh tranh là năm 2023, đẩy nhanh tái cấu trúc đơn vị điều độ hệ thống và thị trường quốc gia (NSMO) phù hợp với mốc hình thành thị trường cạnh tranh bán lẻ là năm 2023.
Ngoài ra, cần tăng tính linh hoạt cho hệ thống điện bằng đẩy nhanh các giải pháp tích trữ như pin tích trữ ngay trong giai đoạn này như kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Giải này có rất nhiều ưu điểm như điều tần rất nhanh, điều chỉnh công suất tốt, giảm tắc nghẽn hệ thống truyền tải và phân phối, hạn chế cắt giảm công suất năng lượng tái tạo, chi phí sản xuất điện từ pin tích trữ chỉ tương đương với thủy điện tích năng. Giá thành của pin tích trữ ngày càng giảm nhanh: giảm 80% trong 10 năm qua, dự báo đến năm 2030, sẽ giảm còn khoảng 55% so với hiện nay.
“Phát triển điện, cần tập trung vào các giải pháp chính sách đột phá về phát triển lưới điện, đẩy nhanh hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền để giải phóng đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng bền vững. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được các địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp, và rủi ro cao”, kiến nghị của VSEA nêu rõ.
Có thể bạn quan tâm
15:34, 04/03/2021
11:00, 06/07/2020
21:57, 14/04/2020
10:06, 25/12/2019
11:00, 24/12/2019
05:00, 02/12/2019