KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp mong mỏi lộ trình mở cửa để sản xuất kinh doanh

DIỆU HOA thực hiện 25/09/2021 17:00

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, thị trường bất động sản đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng Giám đốc Đại Phúc Land.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, dịch bệnh đã khiến các kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng, các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh. 

Áp lực trả nợ vay đè nặng doanh nghiệp địa ốc 

- Dịch bệnh đã tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản thưa bà?

Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản.

Bên cạnh đó, hình thức bán hàng truyền thống của các doanh nghiệp bất động sản thông qua các sự kiện bán hàng đề phải tạm dừng do giãn cách xã hội kéo dài. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến, song việc này không mang lại hiệu quả cho số đông bởi thói quen giao dịch truyền thống và yêu cầu khắt khe về pháp lý là rào cản.

Doanh nghiệp bất động sản đối diện với nguy cơ chết chìm trên đống tài sản.

Kế hoạch triển khai thi công xây dựng cũng bị đình trệ, hầu hết tiến độ thi công các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng tiến độ. Giá cả vật liệu xây dựng leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình xây dựng. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường. Chính vì vậy sau khi dịch bệnh qua đi, việc tìm kiếm nhân công lao động cho các công trình xây dựng cũng là vấn đề lớn của các nhà thầu xây dựng.

Như VanPhuc City trong năm nay chỉ có thể đảm bảo được khoảng 70% tiến độ trong 12 hạng mục công trình xây dựng trọng điểm được triển khai theo kế hoạch.

- Vậy, từ thực tiễn doanh nghiệp, những khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt là như thế nào thưa bà?

Áp lực về dòng tiền và khả năng trả nợ vay chính là khó khăn lớn nhất hiện tại. Hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Tỉ trọng nguồn vốn vay tùy thuộc vào quy mô dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Các chủ đầu tư thường phải hoạch định ngân sách đầu tư cho khoảng thời gian từ 3-5 năm để phục vụ việc đầu tư, phát triển dự án. Trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo.

Tuy nhiên trong tình huống hiện nay khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao. Chết trên đống tài sản là tình huống dễ dàng xảy ra trong giai đoạn này nếu một số doanh nghiệp có tỉ trọng vốn vay cao mà không có giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng và các bên liên quan.

Áp lực về chi phí duy trì hoạt động cũng đã đè nặng lên các chủ đầu tư khi giãn cách xã hội kéo dài. Các doanh nghiệp thường có nguồn lực dự phòng khá dài hơi do lộ trình triển khai các dự án khá dài hạn. Nhưng với tình trạng doanh thu bị giảm sút thì bài toán duy trì hoạt động sẽ gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự và giảm lương từ 20-30% là giải pháp tạm thời để duy trì bộ máy hoạt động của mình

Nguồn lực dự phòng cho các hoạt động phục hồi đến nay đã cạn kiệt. Sau gần 2 năm dịch bệnh, nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp đang cạn dần và đến thời điểm hiện nay khi dịch bệnh qua đi, việc tái đầu tư để khôi phục các hoạt động đầu tư và bán hàng là thách thức lớn đang đặt ra.

Và một khó khăn đã tồn tại nhiều năm nay là chồng chéo pháp lý kéo dài gây ách tắc nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp kéo dài nhiều năm qua. Năm 2021 có nhiều điểm sáng tháo gỡ về pháp lý với các điều chỉnh sửa đổi của Luật xây dựng, Luật đầu tư và các bạn bản pháp lý liên quan.

Tuy nhiên sự điều chỉnh này là chưa đủ và chưa đồng bộ, quá trình thực thi còn chậm. Việc này dẫn đến việc triển khai các dự án bất động sản tốn kém gấp đôi, gấp 3 thời gian và nguồn lực so với kỳ vọng gây lãng phí nguồn lực rất lớn, tác động lên chi phí đầu vào gia tăng và giá thành sản phẩm.

Cần các giải pháp để "sống chung với dịch" 

- Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp vào ngày mai (26/9), bà có kiến nghị nào để doanh nghiệp địa ốc vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại và tái đầu tư khi dịch bệnh qua đi?

Trên góc độ chủ đầu tư tôi kiến nghị, thứ nhất, Chính phủ công bố lộ trình mở cửa trong quý 4/2021 và trong năm 2022 để doanh nghiệp chủ động trong việc xây dựng khách hàng đầu tư và kinh doanh.  Chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh nên hãy trao quyền cho doanh nghiệp trong việc xây dựng quy trình an toàn đảm bảo sức khỏe cho người lao động phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình dựa trên các yêu cầu chung của Bộ Y tế.

Thứ hai, tạo điều kiện cho các lao động ở tỉnh sớm quay trở lại thành phố làm việc và tổ chức tiêm vaccine cho lực lượng này thì các công trường thi công mới có cơ hội tái khởi động sớm.

Thứ ba, giãn, hoãn việc đóng bảo hiểm xã hội để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi hoạt động sau thời gian dài đóng cửa do giãn cách và thiệt hại nặng nề về doanh thu và dòng tiền.

Thứ tư, nên có giải pháp cho vay với lãi suất ưu đãi trong ngắn hạn để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực trả lương cho người lao động và tái khởi động các hoạt động đầu tư.

Thứ năm, xem xét giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 6- 12 tháng.

Bất động sản là một lĩnh vực kinh tế quan trong, đóng góp 11% GDP của đất nước và là đầu tàu kéo tất cả hàng trăm ngành nghề cùng tiến lên. Đây còn là lĩnh vực mang nhiều tính chất nhân văn, đóng góp vào sự thay da đổi thịt của những vùng đất và thể hiện cuộc sống sung túc của nơi đó.

Các doanh nghiệp bất động sản rất mong được sự hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời của Chính phủ tiếp thêm nguồn lực, qua đó sẽ duy trì được hoạt động và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của thị trường bất động sản và sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Vecom đề xuất 3 giải pháp gỡ khó

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Vecom đề xuất 3 giải pháp gỡ khó

    16:54, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp vận tải mong

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp vận tải mong "gỡ khó" để vượt bão

    16:39, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Mong đợi Chính phủ “bật đèn xanh” cho các ngân hàng

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Mong đợi Chính phủ “bật đèn xanh” cho các ngân hàng

    16:33, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Sức khoẻ” doanh nghiệp suy kiệt

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: “Sức khoẻ” doanh nghiệp suy kiệt

    15:46, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tiêm vaccine liên tỉnh bao phủ chuỗi cung ứng

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tiêm vaccine liên tỉnh bao phủ chuỗi cung ứng

    15:14, 25/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp cần các gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp cần các gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp

    15:00, 25/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp mong mỏi lộ trình mở cửa để sản xuất kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO