Trước những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, Hiệp hội doanh nghiệp Dược kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và một số bộ ngành liên quan giải quyết khó khăn cấp bách cho doanh nghiệp…
Gửi kiến nghị tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, Hiệp hội doanh nghiệp Dược đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm xã hội giải quyết khó khăn cấp bách cho doanh nghiệp Dược.
Cụ thể, Hiệp hội doanh nghiệp Dược đề nghị Bộ Y tế, xem xét giải quyết các khó khăn bất cập, đề xuất giải pháp cải cách Thủ tục hành chính trong lĩnh vực dược do Hiệp hội doanh nghiệp dược tổng hợp đề xuất gửi Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ. Nội dung này thể hiện tại Phụ lục 6 trong báo cáo số 4370/BC-VPCP ngày 30/6/2021 của Văn phòng Chính phủ gửi các Bộ ngành theo chỉ đạo của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đề nghị Bộ khẩn cấp giải quyết dứt điểm các hồ sơ đăng ký thuốc, gia hạn, duy trì hiệu lực số đăng ký thuốc của doanh nghiệp nộp đã tồn đọng quá lâu chưa được Bộ giải quyết gây thiệt hại, tổn thất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý dược tiếp tục cho phép các sản phẩm hết hạn số đăng ký được duy trì hiệu lực số đăng ký cho đến khi được gia hạn số đăng ký 05 năm theo quy định để các doanh nghiệp duy trì số đăng ký, ổn định sản xuất.
Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược tiếp tục xem xét giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội về việc gia hạn đăng ký đối với thuốc generic do doanh nghiệp Việt Nam đã tự nghiên cứu, phát triển và đã được Bộ Y tế xét duyệt hồ sơ, cấp phép lưu hành, đã được người dân và các sơ sở y tế sử dụng rộng rãi trong một thời gian rất dài (5 năm; 10 năm; ,…20 năm đến nay), trong thời gian thuốc lưu hành, cơ quan quản lý, các Trung tâm giám sát ADR không nhận được các báo cáo về các ADR nghiêm trọng thì khi đăng ký lại, gia hạn không phải chứng minh nguồn gốc công thức của thuốc và không phải thử lâm sàng - trừ một số hoạt chất đặc biệt cần thẩm định
Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Tổng Cục Hải quan giải quyết các khó khăn trong việc gửi bộ chứng từ gốc liên quan hàng hoá nhập khẩu về để trình thông quan vì các hãng vận chuyện nhanh tạm ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động chuyển phát tới một số khu vực được phép đi lại nên Doanh nghiệp không thể trình được chứng từ gốc như phiếu kiểm nghiệm COA, COO… khi làm thủ tục thông quan; cho phép được thông quan bằng bộ chứng từ scan; bộ chứng từ gốc sẽ bổ sung sau.
Bên cạnh đó, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có chính sách ứng trước các chi phí về thuốc cho Bệnh viện để Bệnh viện có nguồn chi trả cho Công ty phân phối thuốc, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cũng như đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của doanh nghiệp trong các giao dịch kinh doanh tại thời điểm dịch bệnh. Bởi do dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tai các Bệnh viện giảm, dẫn tới nguồn thu của các Bệnh viện bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán cho doanh nghiệp, vì vậy, nợ quá hạn của các Bệnh viện với các doanh nghiệp tăng cao.
Trong các kiến nghị gửi VCCI tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 26/9, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét việc thống nhất nguồn kinh phí chi trả chi phí xét nghiệm COVID-19 khi tăng cường thực hiện xét nghiệm cho các bệnh viện theo Công văn số 3897/BYT-KHTC ngày 11/5/2021 của Bộ Y tế.
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Sớm triển khai việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến
06:10, 01/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính
06:05, 01/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng cơ chế lưu thông hàng hóa
06:00, 01/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng phương án “phòng chống dịch theo điểm”
06:10, 30/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế
06:05, 30/09/2021