Theo Bộ Tài chính, phần đường dẫn do ACV đầu tư có thu tiền, tức có mục đích kinh doanh nên phải nộp tiền thuê đất. ACV phải bị truy thu đủ số tiền thuê đất từ khi bắt đầu thực hiện thu phí.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về hoạt động thu phí phương tiện vào sân bay của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo đó, doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với phần đất sử dụng để làm đường và thu phí vào sân bay suốt nhiều năm qua.
Theo Điều 156, Luật Đất đai 2013, đất phục vụ hoạt động hàng không dân dụng tại sân bay thuộc quản lý của Cảng vụ hàng không. Bộ Tài chính nhận định Cảng vụ đã để cho ACV sử dụng đất làm đường dẫn và thu tiền vào sân bay mà chưa thực hiện đủ thủ tục về giao đất, cho thuê đất. Điều này vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 192/2013.
Về nghĩa vụ tài chính của ACV trong việc sử dụng đất làm đường dẫn vào sân bay, Bộ Tài chính cho biết trường hợp đất công cộng không có mục đích kinh doanh thì ACV được giao đất mà không phải nộp tiền sử dụng. Tuy nhiên, phần giá trị tài sản trên đất (đường dẫn vào sân bay) do ACV đầu tư và có thu tiền - khi đó là có mục đích kinh doanh nên phải nộp tiền thuê đất theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 06/12/2019
15:11, 01/12/2019
05:00, 16/11/2019
00:00, 15/11/2019
Như vậy, từ khi triển khai thu phí sử dụng đường dẫn vào sân bay đến nay, ACV chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính là nộp tiền thuê đất cho Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, ACV phải bị truy thu đủ số tiền thuê đất từ khi bắt đầu thực hiện thu phí.
Cũng trong báo cáo, Bộ Tài chính đề cập đến việc xử lý kinh tế với số tiền ACV đã thu sai trong giai đoạn 2012-2017. Vấn đề này, liên bộ Tài Chính và Giao thông Vận tải cùng thống nhất không xử lý kinh tế do ACV đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách như hạch toán, đóng thuế theo quy định.
Cụ thể, đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ kết luận ACV có nhiều sai phạm như chỉ định thầu tùy tiện cho các đơn vị khai thác mặt bằng nhà ga, lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số dịch vụ phi hàng không, đặc biệt là việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn.
Tính riêng từ 1/1/2012 đến 31/12/2015, ACV thu về 551 tỷ đồng từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không. Việc thu phí trên tuy mang lại lợi ích cho ACV và Nhà nước nhưng không đúng quy định pháp luật và gây thiệt hại cho người dân.
Cần phải nói thêm, tại Kết luận số 2569/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cho rằng, “21 chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất. Tổng số tiền thu khoảng 59 tỷ đồng”.
Trong khi đó, theo Bộ GTVT, tổng doanh thu, chi phí, nghĩa vụ ngân sách đối với dịch vụ đường dẫn vào nhà ga 21 cảng hàng không đã được ACV thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2017 lên tới 1.024 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2012 - 2015 là 550,95 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần số công bố của Thanh tra Chính phủ. Sau khi trừ các chi phí, chênh lệch doanh thu - chi phí (trước thuế) từ nguồn thu này là 133 tỷ đồng. ACV đã thực hiện nghĩa vụ ngân sách khoảng 57 tỷ đồng. Đối với lợi nhuận còn lại, ACV trích quỹ đầu tư phát triển giai đoạn từ năm 2012 - 31/3/2016 và đã được tính vào giá trị phần vốn nhà nước khi đơn vị này cổ phần hóa vào năm 2016.
Do đó, Liên Bộ Tài chính - GTVT thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không xử lý kinh tế đối với số tiền ACV đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012-2017 do ACV đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách theo quy định.