“Kim chỉ nam” cho doanh nghiệp logistics

THY HẰNG 04/03/2024 03:33

Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics là “kim chỉ nam” tạo nền tảng triển khai các cải cách thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, giúp doanh nghiệp cảm nhận được sự quan tâm, sự ưu tiên, giúp tự tin, vững bước hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khó khăn của thế giới. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết khi chia sẻ với DĐDN.

>>Chiến lược phát triển Logistics Việt Nam: Rõ nét hơn vận tải đa phương thức

Dự thảo “Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đang được Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi.

- Tuy nhiên, một số chỉ tiêu Chiến lược đưa ra còn được nhận định là “khiêm tốn” ví dụ như về chỉ số LPI, ông bình luận gì về ý kiến này?

Chỉ tiêu về Chỉ số hiệu quả Logistics - LPI là chỉ tiêu quan trọng để chúng ta đánh giá được mình đang ở đâu và so sánh được với các quốc gia khác. Năm 2018, chúng ta cũng đã xếp hạng thứ 39. Trước đó, tại Quyết định số 200/QĐ-TTg đưa ra mục tiêu xếp hạng LPI từ 50 trở lên. Đến năm 2023, chúng ta đã xếp hạng thứ 43. Như vậy, chúng ta cũng đã lùi xuống 4 bậc. Dự thảo hiện nay đưa ra xếp hạng LPI đạt thứ 45 theo một dự báo khá thận trọng vì chúng ta cũng nhìn thấy tất cả các quốc gia đều có sự quan tâm lớn và sự tiến bộ của các quốc gia khác thì chúng ta cũng cần phải ghi nhận.

Hiện chúng ta đang tiếp cận một cách thận trọng nên đã đề ra con số 45 và cũng có thể Ban soạn thảo sẽ cân nhắc đưa ra mức phấn đấu với con số 40. Việc này chúng ta phải đưa ra sự so sánh con số tương quan giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

- Để thúc đẩy phát triển ngành cần có các doanh nghiệp “đầu đàn” để dẫn dắt các doanh nghiệp khác, ý kiến cá nhân của ông về vấn đề này như thế nào và liệu có được cân nhắc để đưa vào Chiến lược này hay không?

Việc này đã được thể hiện tại Quyết định số 200/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2017 đó là xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics và chúng tôi vẫn sẽ kế thừa các quan điểm này trong chiến lược sắp tới.

Cụ thể, ở nhóm giải pháp thứ 3 về phát triển thị trường và nâng cao năng lực doanh nghiệp vẫn có một mục đó là xây dựng các doanh nghiệp “hạt nhân”, doanh nghiệp “đầu tàu” đóng vai trò dẫn dắt, định hướng và giúp tạo ra những đột phá trong lĩnh vực logistics của Việt Nam.

- Muốn làm được vậy, các chính sách ưu đãi của doanh nghiệp, nhất là các ưu đãi vào các lĩnh vực có tính chất định hướng như logistics xanh, giảm phát thải carbon sẽ được thể hiện như thế nào trong định hướng chiến lược, thưa ông?

Đây cũng là mục tiêu mà chúng tôi sẽ đặt ra. Nhưng những ưu đãi ở mức cụ thể như thế nào thì sẽ được thể hiện ở các văn bản sau này. Tuy nhiên, Chiến lược đặt ra các yêu cầu, những doanh nghiệp có quan tâm đến logistics xanh, giảm phát thải thì chúng ta cần có những chính sách cụ thể hay các văn bản cụ thể để làm sao tạo ra sự khác biệt, dành ưu đãi cho những doanh nghiệp như vậy.

>>Chiến lược phát triển Logistics Việt Nam: Phát triển doanh nghiệp "đầu đàn"

- Nếu nói Chiến lược này là “kim chỉ nam” cho doanh nghiệp, theo ông, điều mà Chiến lược mang lại lớn nhất cho các doanh nghiệp là gì, nếu như các ưu đãi không được cụ thể?

Ở đây, với Chiến lược này, các doanh nghiệp có thể thấy được sự quan tâm, sự ưu tiên của Chính phủ dành cho lĩnh vực dịch vụ logistics. Đặc biệt trong bối cảnh cách đây 10 năm, các sự quan tâm như vậy cũng như chính sách là chưa có.

Cùng với đó, Chiến lược sẽ là nền tảng để chúng ta triển khai các chính sách cụ thể hơn nữa, bao gồm kể cả các chiến lược thành phần, kể cả các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các quy hoạch qua đó tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Đây là văn bản mang tính chất nền tảng để giúp cho các doanh nghiệp có thêm tự tin, để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh hiện nay.

Chiến lược không phải là quy hoạch nên không đưa vào các quy hoạch cụ thể của từng địa phương, từng vùng. Nhưng Chiến lược có thể chỉ ra một số khu vực trọng điểm, ưu tiên cho phát triển lĩnh vực logistics như thế nào, ví dụ như các vùng kinh tế đã định hướng phát triển logistics phục vụ cho nông sản, hoặc phát triển logistics thương mại điện tử, logistics cho hàng hóa biên giới… cũng để từ đó doanh nghiệp có định hướng phát triển phù hợp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến lược phát triển Logistics Việt Nam: Rõ nét hơn vận tải đa phương thức

    02:30, 15/02/2024

  • Chiến lược phát triển Logistics Việt Nam: Phát triển doanh nghiệp "đầu đàn"

    03:00, 10/02/2024

  • Thủ tướng yêu cầu tăng cường kết nối logistics cho nông sản

    01:05, 08/02/2024

  • Có gì trong "cái bắt tay" chiến lược giữa CJ Logistics và Saigon Co.op?

    02:00, 03/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Kim chỉ nam” cho doanh nghiệp logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO