Để tăng hiệu quả kinh doanh tại nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm và thúc đẩy hơn nữa các yếu tố bền vững và đem lại giá trị mới cho xã hội, theo lãnh đạo VCCI.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức buổi gặp gỡ giữa trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài với các hiệp hội doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi để tìm ra các giải pháp tăng cường thương mại của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.
>>"Cầu nối" quan trọng đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công mong muốn các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: Xúc tiến thương mại, đầu tư và giới thiệu các đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường; hỗ trợ trong dự báo tình hình kinh tế - xã hội, xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
Phó chủ tịch VCCI, Nguyễn Quang Vinh phát biểu: “Sự kiện này là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể gặp gỡ và trao đổi về các hướng đi mới trong tương lai tại các thị trường tiềm năng trên thế giới. Các trao đổi ngày hôm nay sẽ là đầu vào rất quan trọng, làm hành trang để các đồng chí trưởng cơ quan đại diện thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình trong thời gian tới”.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng sự phát triển của ngành dệt may nước ta có công rất lớn nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là chính sách ngoại giao kinh tế. Do đó, ông mong muốn các cơ quan tìm hiểu cách thức, bài học kinh nghiệm từ nước bạn (ví dụ như Bangladesh), nắm bắt thị hiếu, thị trường để các doanh nghiệp trong nước kịp thời điều chỉnh, nắm bắt cơ hội tại nước ngoài.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nông nghiệp sạch và tăng trưởng xanh là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng trong sản xuất. Qua đó, các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan ngoại giao có thể thu thập thêm về những vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, năng lượng sạch để thu hút công nghệ từ nước ngoài, hoặc giới thiệu các đối tác cho phía Việt Nam.
"Các công ty đại chúng của Việt Nam đang rất có nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật để tiếp cận nguồn vốn 15,5 tỷ USD mà các tổ chức G7 và EU đã cam kết tài trợ cho Việt Nam trong việc chuyển đổi xanh", đại diện Chủ tịch Hội Thành viên Độc lập HĐQT Doanh nghiệp Việt Nam, cho biết.
Đáp lại kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, đoàn đại sứ gồm 17 đại sứ và tổng lãnh sự bao phủ gần 50 quốc gia trên thế giới cho biết, sẵn sàng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp.
“Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Xác định ‘biến nguy thành cơ’ , triển khai nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nhận thức rõ về trách nhiệm, vai trò của mình và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước và doanh nghiệp,” Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.
>>Chỉ số xanh thúc đẩy phát triển xanh
Phó chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh kết luận, nền kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi, trong đó phương thức kinh doanh “vị lợi nhuận” đã không còn là lựa chọn tối ưu. Qua đó, ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy, làm mới mình của cộng đồng doanh nghiệp để bắt kịp các xu thế kinh doanh mới của thế giới, đó là “kinh doanh phải đem lại các giá trị mới cho xã hội”.
Có thể bạn quan tâm
VCCI hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các FTA
02:35, 09/04/2023
VCCI Nghệ An tổ chức giải “Golf doanh nhân Sông Lam” để ủng hộ người nghèo
16:35, 09/04/2023
Đại hội Công đoàn Công ty TNHH MTV Sở hữu trí tuệ VCCI nhiệm kỳ 2023-2028
16:18, 07/04/2023
VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tìm kiếm thị trường mới
00:45, 06/04/2023